Thứ năm, 21/6/2018, 20h54

HS sử dụng điện thoại: lợi ít, hại nhiều

Lợi ích của điện thoại di động (ĐTDĐ) là vô cùng lớn, nhưng tác hại của nó cũng không nhỏ. Hai mặt lợi ích và tác hại của nó song hành với người sử dụng. Điều quan trọng là lợi hay hại phần lớn do ý thức của người sử dụng. Điều này cho thấy rằng, học sinh sử dụng điện thoại (ở trường và ở nhà) là điều không nên, mặt lợi thì ít, mặt hại thì nhiều, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Những tác hại của việc sử dụng điện thoại ở trường là: sao nhãng việc học - sa sút học tập, ảnh hưởng tới giờ dạy của thầy cô - bạn bè trong giờ học, tốn thời gian, ít vận động trong giờ ra chơi, sống ảo - ít tương tác với bạn bè, ghiền mạng xã hội - cái gì cũng có thể đưa lên mạng,  kể cả những trò ác ý, đua đòi… Không cần phân tích cụ thể, những tác hại ấy người lớn đều hiểu hoặc cố tình không muốn hiểu. Hệ lụy rất lớn, đó là ảnh hưởng đến việc học tập, ý thức… của thế hệ trẻ.

Trong khi đó, việc sử dụng ĐTDĐ đúng mục đích như: để tiện liên lạc với gia đình, trao đổi bài vở với bạn bè, tìm tòi kiến thức, học hỏi những điều tốt đẹp - những câu chuyện giáo dục, học hỏi về kỹ năng sống… là điều vô cùng bổ ích. Nhưng thật đáng tiếc, phần lớn học sinh sử dụng không hướng tới mục đích tốt nên làm ảnh hưởng rất lớn đối với môi trường giáo dục.

Hai giải pháp tốt nhất mang đến nhiều lợi ích cho học sinh trong việc học và nhiều mặt khác trong thế giới học đường cũng như thế giới xung quanh là: nhà trường cấm học sinh mang điện thoại vào trường (hoặc có quản lý điện thoại (khóa máy) để các em ra về mới được sử dụng) và cha mẹ không nên cho con mang điện thoại đến trường (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt). Tuy nhiên, yếu tố gia đình vẫn quan trọng nhất. Nếu cha mẹ định hướng đúng đắn (cha mẹ phải làm gương, hạn chế dán mắt vào điện thoại, không để con mang điện thoại đến trường) thì sẽ tốt hơn cho con cái, cho gia đình và nhà trường.

Hoàng Thái Hùng