Thứ bảy, 30/1/2016, 22h26

Hướng nghiệp cần đặt đúng vị trí

Cộng đồng kinh  tế ASEAN đã chính thức thành lập, các trường ĐH, CĐ đang tập trung nguồn lực để nâng chất lượng đào tạo sinh viên phù hợp với thị trường lao động ASEAN. Tuy nhiên, để làm tốt điều này cần có sự hỗ trợ rất lớn từ các trường THPT.

Ban tổ chức và các chuyên gia tham gia chương trình tập huấn nhận hoa từ đại diện Bộ GD-ĐT tặng

Từ lý do này, Báo Giáo dục TP.HCM vừa phối hợp với Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn tổ chức chương trình tập huấn Định hướng đào tạo nghề theo chuẩn ASEAN dành cho giáo viên THPT trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Có thể nói, đây là lần đầu tiên đối tượng này được trực tiếp lắng nghe các chuyên gia chia sẻ về phương pháp tư vấn cho học sinh để các em có những hướng đi đúng đắn, phù hợp với đào tạo nghề theo chuẩn ASEAN.

Nhiều cơ hội cho lao động Việt

Cộng đồng ASEAN với dân số hơn 620 triệu người, trong đó 300 triệu tham gia lực lượng lao động. Việt Nam là quốc gia có số lao động chiếm thứ 3 (chiếm 15%) trong khu vực. Điều này mở ra cơ hội cho lao động Việt Nam với dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ việc làm trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhóm ngành nào cần lưu ý để tư vấn cho học sinh là vấn đề được nhiều giáo viên quan tâm.

Cô Trần Thị Tuyết Hoa (Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Bạch Đằng) hỏi: “Những nhóm ngành nghề nào được ASEAN thống nhất trong đào tạo để chúng tôi tìm hiểu sâu sát hơn, từ đó có những định hướng cụ thể cho các em”. Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết: “Việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam với dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ việc làm trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, dệt may, chế biến thực phẩm… Có 8 ngành nghề được phép di chuyển trong khu vực là kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch”.

Một trong những thắc mắc của giáo viên là ở trường phổ thông, giáo viên cần chuẩn bị cho học sinh hành trang gì để tạo nền móng vững chắc cho các em hội nhập. Cụ thể, một giáo viên ở Trường THPT Long Phước (tỉnh Đồng Nai) đặt câu hỏi: “Việc đào tạo học sinh tại các trường THPT được thực hiện như thế nào để đáp ứng được chuẩn đào tạo ASEAN trong xu thế hội nhập hiện nay”. Ông Trần Anh Tuấn trả lời: “Thị trường lao động ASEAN hiện cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là có nghề chuyên môn, có kỹ năng và năng lực ngoại ngữ, CNTT. Vì vậy, nhà trường cần phối hợp với phụ huynh rèn luyện cho học sinh tính kỷ luật, kỹ năng làm việc nhóm, trao đổi, năng lực ngoại ngữ”.

Hướng nghiệp chưa sâu sát

Một giáo viên tại Đồng Nai đặt câu hỏi cho các chuyên gia

Mặc dù thị trường lao động đang rộng mở nhưng nếu không nắm bắt cơ hội, chọn nghề phù hợp thì lao động Việt dễ thua ngay trên sân nhà. Vấn đề nhiều chuyên gia lo lắng hiện nay là nhà trường còn quá coi trọng việc dạy chữ nên giáo dục hướng nghiệp còn hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng sinh viên ngồi nhầm giảng đường, thất nghiệp còn nhiều.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) cho biết: “Gần 70% sinh viên chọn nhầm ghế ở giảng đường ĐH khiến 32,4% sinh viên muốn thi lại vào năm sau. Từ đó dẫn đến gần 180.000 sinh viên sau khi ra trường không có việc làm (theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH). Trong khi đó bậc TCCN lại thiếu người học dẫn đến thiếu nhân lực trầm trọng, cơ cấu nhân lực đảo chiều. Nguy hiểm hơn, do không học được ngành nghề yêu thích hay cấp bậc cao, một số học sinh đã tìm đến cái chết vô cùng thương tâm trước, trong và sau kỳ thi mỗi năm”.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) cho hay: “Hàng năm có những thí sinh thi ĐH xong bị khủng hoảng, sang chấn tâm lý phải mất 3 năm để điều trị hồi phục. Nhiều em là học sinh giỏi 12 năm liền nhưng thi ĐH vẫn rớt vì quá trình học phổ thông các em cố gắng làm sao đủ 8 điểm và không có môn nào bị liệt, nhưng việc lựa chọn các môn trong tổ hợp môn để xét vào ĐH lại không đủ điểm chuẩn. Như vậy là các em bị ám ảnh nhiều bởi kết quả bề trên mà không nghĩ đến chặng đường tương lai”.

Mỗi năm TP.HCM có hơn 70.000 học sinh đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề và hơn 140.000 học sinh lớp 10, lớp 11 cũng bắt đầu tìm hiểu ngành nghề cho mình trong tương lai. Theo khảo sát của Báo Giáo dục TP.HCM, có gần 30% học sinh chọn ngành nghề thông qua thông tin từ thầy cô giáo, bạn bè; gần 40% chọn ngành nghề qua truyền thông, 30% chọn ngành nghề thông qua các thông tin khác. Như vậy, đội ngũ giáo viên có vai trò rất quan trọng trong công tác tư vấn. Tuy nhiên, giáo viên làm công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm nên còn nhiều hạn chế trong công việc, dẫn đến học sinh chọn ngành nghề không phù hợp còn nhiều.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Giáo viên còn thụ động, một số giáo viên cho rằng không phải là nhiệm vụ của mình nên chưa tích cực tư vấn hướng nghiệp. Nguyên nhân sâu xa là do giáo dục hướng nghiệp chưa được xem là nhiệm vụ chính thức, nhiệm vụ dạy học được khai thác triệt để, một số sở GD-ĐT chưa quan tâm đến nội dung này trong công tác bồi dưỡng thường xuyên…”.

Bài, ảnh: D.Bình