Thứ tư, 14/10/2015, 10h30

Hụt hẫng… lớp 6

Chỉ mới khoảng 2 tháng học, thế nhưng đã nhận được tiếng than từ nhiều phía ở khối lớp 6. Giáo viên (GV) thì than sao học sinh (HS) yếu kém quá, chậm chạp quá...; còn HS thì than học khó quá, bài nhiều quá…; trong khi đó phụ huynh than sao con tôi học rất tốt ở tiểu học mà giờ luôn bị phê là học yếu, chưa chăm chỉ...

Con tôi cũng học lớp 6 năm học này. Ở tiểu học, cháu học rất tốt nên đã đủ chuẩn vào trường trọng điểm của quận. Là GV, tôi đã làm “công tác tư tưởng” cho con trước về việc học tập, sinh hoạt khác biệt ở tiểu học và THCS. Vậy mà cháu cũng đã tỏ ra chán học khi mới vào học lớp 6 chưa bao lâu. Tại sao vậy?

Với những ai là GV tiểu học nhiều năm như tôi thì điều ấy thật dễ hiểu. Trước đây, HS tiểu học học không khác HS lớp 6 nhiều lắm, nhất là ở lớp 5. Các cháu học tiểu học trước đây vẫn phải học bài, làm bài ở nhà. Đến trường, HS vẫn phải làm kiểm tra lấy điểm hàng tháng ở tất cả các môn. Thi học kỳ, HS cũng phải học thuộc rất nhiều bài ở các môn khoa học, sử, địa… Khác với hiện nay, với chủ trương ở tiểu học chơi mà học; học thoải mái; kiểm tra không căng thẳng; không gây áp lực học tập bằng điểm số; nhận xét, đánh giá mang tính động viên khích lệ… Vì thế, vào lớp 6, HS không phải bước lên một bậc thang trong nấc thang học tập mà các cháu phải “nhảy” lên nhiều nấc nên “hụt chân” là điều đương nhiên.

Con tôi học 2 buổi. Về nhà, ăn cơm xong là cháu phải ngồi vào bàn học suốt từ 6 giờ đến 9 giờ, 10 giờ tối mới xong bài. Ở tiểu học, cháu không học bài, làm bài ở nhà và cũng không phải học thuộc lòng quá nhiều kiến thức. Bây giờ, môn nào cháu cũng phải học bài, làm bài, thậm chí có môn còn phải soạn bài sắp học trước theo yêu cầu của GV. Thời khóa biểu ngày thứ tư của cháu có 2 tiết tiếng Anh, 2 tiết văn, 2 tiết toán, 1 tiết địa, 1 tiết sinh. Môn tiếng Anh cháu phải copy (chép các từ mới đã học) mỗi từ 5 dòng và phải chép đến 10 trang vở. Môn văn phải học bài thơ, hay đoạn văn; học các nội dung của văn bản; soạn văn bản chuẩn bị bài mới. Môn toán phải học các ghi nhớ, làm ít nhất 5 bài tập. Môn địa và sinh phải học bài. Những ngày thứ tư có đến 3 môn học kiểm tra 15 phút, 1 tiết thì cháu gần như ngủ gục trên bàn học vào buổi tối. Cháu nói: “Không biết con có học nổi đến hết năm không? Bài nhiều quá, con cố lắm cũng chẳng thể nào nhớ hết nổi bài của các môn học trong một ngày”. Con tôi không học thêm mà đã đuối như thế khi mới vào lớp 6 chưa lâu. Những HS đi học thêm thì không biết thời gian đâu để ngủ, để giải trí.

Từ thực tế của con, tôi nhận ra các lời than phiền từ GV, HS và phụ huynh đều đúng. Các cháu không có thói quen học bài nên học lâu thuộc và lười học dẫn đến điểm thấp. Bài nhiều quá không biết cách học dẫn đến bài làm không xong, làm cho có, làm sai. Điểm thấp, HS bị thầy cô trách, cha mẹ la… Tất cả làm các cháu thêm chán học và lười biếng hơn.

Là GV và cũng là phụ huynh, tôi mong lắm một chương trình giáo dục, giảng dạy có sự liên kết chặt chẽ, có sự chuyển tiếp từng bước giữa tiểu học và lớp 6 để các cháu không quá hụt hẫng khi bước vào lớp đầu tiên của THCS.

Lê Phương Trí

(GV Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4, TP.HCM)