Chủ nhật, 19/3/2017, 01h50

Huyện Bình Chánh, TP.HCM: Số người chết vì TNGT cao nhất nước

Sáng 18-3, UBND huyện Bình Chánh đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác an toàn giao thông (ATGT) năm 2016 và triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT, công tác bảo đảm trật tự vỉa hè, lòng lề đường năm 2017 trên địa bàn.

Chiếc xe bồn chở dầu tại hiện trường tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Bình Chánh

Theo báo cáo, trong năm 2016, trên địa bàn huyện Bình Chánh xảy ra 115 vụ tai nạn giao thông (TNGT), khiến 115 người chết (trong đó có 42 người có liên quan đến rượu bia) và 10 người bị thương. So với cùng kỳ 2015, số vụ TNGT tăng hơn 30%, số người chết tăng 32%. Tình trạng vỉa hè, lòng, lề đường bị tái lấn chiếm vẫn diễn ra; chợ tự phát tiếp diễn ở các khu vực nhà máy, xí nghiệp, khu vực đông dân cư.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM đánh giá, trong các quận, huyện khắp cả nước, chỉ có huyện Bình Chánh có số người chết vì TNGT vượt trên 100 người, cụ thể là 115 người chết - chiếm hơn 1/8 tổng số người chết vì TNGT của TP.HCM.

Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết: Bình Chánh là huyện cửa ngõ nên lưu lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông qua địa bàn đông. Hạ tầng kỹ thuật 822 tuyến đường (chiếm 85% tổng số tuyến đường trong huyện) chưa hoàn chỉnh, chưa có vỉa hè. Nhiều tuyến đường như Vĩnh Lộc, Đinh Đức Thiện, quốc lộ 50 đường quá nhỏ, chật hẹp so với lưu lượng phương tiện, không đủ đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân. Một số tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp theo các tuyến đường đê bao thủy lợi hoặc đường làng nên mặt đường chỉ vừa 2 làn xe lưu thông, mỗi khi các phương tiện giao thông tránh vượt dễ va chạm xảy ra TNGT. Trong khi đó, ý thức người dân tuân thủ quy định khi tham gia giao thông còn hạn chế.

“Năm 2017, huyện phấn đấu giảm tối thiểu 10% số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT so với năm 2016; không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng; không để phát sinh “điểm đen” về TNGT; giảm số vụ, số điểm thường xảy ra ùn ứ giao thông; tạo đường thông, vỉa hè thoáng, đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông, tạo vẻ mỹ quan đô thị trên địa bàn huyện”, ông Tài nhấn mạnh.

Tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang vừa ký ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị (TTĐT) trên địa bàn TP. Theo đó, các sở ngành chức năng, UBND quận huyện lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện công tác bảo đảm TTĐT trên địa bàn TP; triển khai việc kẻ vạch sơn, lắp đặt biển báo các khu vực vỉa hè cấm để xe, buôn bán và thông tin rộng rãi để có cơ sở giám sát và xử lý. Cùng với đó, ban hành danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống camera giám sát, quản lý ở những nơi thường xuyên vi phạm, phức tạp và khu vực các tuyến đường, đoạn đường, khu vực có thu phí.

Đối với Công an TP, tổ chức kiểm tra, rà soát và có biện pháp giải quyết tình trạng ô tô dừng, đỗ không đúng nơi quy định, nhất là tại khu vực trung tâm TP, các tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Nghiên cứu, đề xuất quy định về bổ sung một số hình thức chế tài vi phạm dừng, đỗ xe trái phép; Các cơ quan, trường học, bệnh viện cùng chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước cổng cơ quan, trường học, bệnh viện; bố trí xe đưa đón nhân viên và học sinh; sắp xếp, bố trí khu vực để xe, nơi đưa đón học sinh trong khuôn viên trường học, bệnh viện, cơ sở y tế nhằm phục vụ người dân.

Chỉ thị cũng yêu cầu nghiên cứu xây dựng các bãi đậu xe cao tầng theo hình thức xã hội hóa; quy định về cấp và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh gắn với điều kiện phải đảm bảo bố trí chỗ đậu xe. Quá trình lập, triển khai các kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sẽ tổ chức lấy ý kiến của đại diện nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, chuyển biến tích cực và ủng hộ việc thiết lập TTĐT.

H.Triều

Để thực hiện được mục tiêu này, ông Trần Phú Lữ - Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - đưa ra các giải pháp. Cụ thể, lấy phương châm tuyên truyền, vận động, thuyết phục làm chính. Việc tuyên truyền được đưa tới công nhân trong khu công nghiệp, nhà trọ, người kinh doanh vận tải, lái xe và người điều khiển phương tiện cá nhân; đồng thời tuyên truyền tới từng hộ dân, hộ kinh doanh buôn bán để nâng cao nhận thức, ý thức không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè. Các hộ dân, hộ kinh doanh, buôn bán sẽ ký cam kết không lấn chiếm lòng, lề đường và được cho một khoảng thời gian để tự tháo dỡ công trình lấn chiếm vỉa hè, xây dựng không phép. Sau đó, huyện kiểm tra 3 lần và lần thứ 3 sẽ xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng cam kết. Huyện củng cố hoạt động của đội trật tự đô thị, nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ, cho thôi việc những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, những cán bộ có hành vi tiêu cực.

Bên cạnh đó chú trọng tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; tiếp tục rà soát, lắp đặt hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ; khắc phục kịp thời các “điểm đen”, vị trí mất ATGT. Đặc biệt, quy hoạch lại và khuyến khích đầu tư các cửa hàng tiện lợi tại khu vực đông công nhân để tổ chức chợ phiên, hỗ trợ di dời và tái bố trí cho người dân buôn bán tại các chợ tự phát. Sắp xếp lại các quầy hàng buôn bán của các chợ truyền thống thường xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường; tổ chức lại khu vực mặt tiền các chợ có đủ điều kiện để tạo dải cây xanh cách ly, bố trí khu vực đậu xe cho người dân đi chợ...

G.N