Thứ sáu, 2/12/2011, 09h12

Kéo giáo dục đại học lại gần thực tế

Ngày 30-11, Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học.

Ảnh minh họa.
Hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các trường đại học (ĐH) và các doanh nghiệp đã cùng mổ xẻ những hạn chế trong quá trình đào tạo nhân lực trình độ ĐH và đưa ra những biện pháp nâng cao chất lượng.
Một trong những vấn đề được đề cập nhiều, là làm thế nào nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH. Vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra là cần cái “bắt tay” giữa ba nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp cho một mục tiêu “đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Thực tế, mối quan hệ giữa các trường ĐH và doanh nghiệp chưa gắn kết.
“Có không tới 3% các doanh nghiệp tuyên bố hợp tác với các trường ĐH hoặc các viện nghiên cứu để phát triển sản phẩm. Không tới 20% giảng viên của các trường ĐH ở VN có trình độ tiến sĩ và phần lớn công việc chính của họ chỉ là giảng dạy, chứ không có trách nhiệm nghiên cứu. Có nghĩa là giáo dục ĐH vẫn đứng ngoài cuộc và chưa thật sự gắn kết với thị trường lao động cũng như tham gia hợp tác nghiên cứu phát triển”, ThS. Nguyễn Văn Chiến, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nói.
ThS. Trần Đình Lý, ĐH Nông Lâm TP HCM cho biết thêm: “Các doanh nghiệp nên chủ động đặt hàng đối với các trường ĐH thì mới có thể tuyển được nhân sự như ý”.
PGS. TS Nguyễn Văn Trình, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế - Luật cho rằng, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp thì đa dạng, trong khi chương trình của các trường phải theo khung của Bộ GD-ĐT. Để đào tạo nhân lực phù hợp yêu cầu của doanh nghiệp thì phải có cách để bỏ bớt cái khung cứng nhắc, để chương trình đào tạo gần với doanh nghiệp hơn.
Quang Phương (Dan tri)