Thứ ba, 28/11/2017, 23h10

Kéo sách về học sinh bằng… nhạc, kịch

Bằng những buổi giới thiệu sách qua bài hát, qua các hoạt cảnh kịch lịch sử sinh động, câu lạc bộ (CLB) Truyền Thông của Trường THPT Hiệp Bình (TP.HCM) đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến học sinh toàn trường.
Học sinh trong trường hào hứng đặt câu hỏi khi tham gia buổi giới thiệu sách lịch sử của CLB
Những cuốn sách đa dạng chủ đề từ văn học đến lịch sử luôn được CLB Truyền Thông đầu tư làm mới trong cách thể hiện nhằm tạo ấn tượng và thu hút đối với học sinh.
Nhạc hóa sách
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là tên một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã nhận được sự yêu thích của đông đảo học sinh trong trường. Bằng cách đưa ca khúc cùng tên lồng vào buổi giới thiệu sách, CLB Truyền Thông đã “mang một đời sống khác” của âm nhạc vào trong tác phẩm, tạo sự thích thú đối với học sinh. “Bữa đó dù trời mưa nhưng em nào cũng háo hức tham gia, nhún nhảy theo lời bài hát. Các em rất hứng thú với hình thức giới thiệu sách này. Nhiều em còn chia sẻ ước gì cuốn sách nào cũng được “nhạc hóa” để các em vừa được nghe nhạc lại vừa được đọc sách”, cô Nguyễn Thị Diệu Hiền (Chủ nhiệm CLB Truyền Thông) chia sẻ. 
Tuy nhiên, theo cô Hiền, không phải tác phẩm văn học nào cũng dễ dàng tìm được những bài hát phù hợp để áp dụng hình thức giới thiệu này. “Song song với những buổi giới thiệu sách truyền thống trước học sinh toàn trường, CLB còn tổ chức đến từng lớp giới thiệu sách, mỗi học kỳ tổ chức 2 lần. 20 thành viên của CLB sẽ chia nhóm, giới thiệu đến mỗi lớp 2 cuốn sách khác nhau. Hình thức này đạt được tính hiệu quả khá cao bởi ngay khi những buổi giới thiệu kết thúc, số lượng sách ở thư viện được mượn luôn tăng lên”, cô Diệu Hiền cho biết. Bên cạnh đó, trước đầu mỗi năm học mới, CLB Truyền Thông luôn tổ chức những buổi giới thiệu thư viện đến học sinh khối 10. Theo cô Diệu Hiền, với nguồn đầu sách phong phú gần 9.000 cuốn, trong đó hơn 5.000 đầu sách tham khảo, luôn được bổ sung và làm mới trong từng năm học, thư viện nhà trường là kho kiến thức vô giá đối với các em học sinh. “Tận dụng lợi thế này, CLB sẽ xếp lịch cho từng lớp trong khối lên thư viện. Các em sẽ hiểu được mô hình hoạt động của thư viện, những loại sách có trong thư viện và được hướng dẫn làm thẻ thư viện. Cách làm này nhằm đưa thư viện đến gần hơn với học sinh đầu khối, khuyến khích các em có tinh thần đọc và tìm hiểu sách”, cô Diệu Hiền khẳng định.
Kịch sử hóa sách
Trong buổi giới thiệu sách trước toàn trường của CLB Truyền Thông vừa qua, cả sân trường như vỡ òa trong nhiều tranh luận, các câu hỏi liên tiếp được đặt ra, những tràng pháo tay tán thưởng cùng những cây kẹo mút động viên. “Lựa chọn 3 cuốn sách lịch sử: 10 vị Hoàng đế tiêu biểu nhất Việt Nam; 10 vị Hoàng hậu tiêu biểu nhất Việt Nam và Việt Sử - những gương mặt phản diện, các thành viên trong CLB lại chọn lọc ra 6 nhân vật là Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng), thái hậu Dương Vân Nga, Lê Hoàn, Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu. Từ đó, mỗi nhân vật lại được xây dựng một hoạt cảnh trong cuộc đời của mình, vừa giúp tái hiện lại một quá trình lịch sử vừa khiến các em học sinh ghi nhớ và hứng thú với cuốn sách”, cô Diệu Hiền cho biết.
Hoạt cảnh Đinh Tiên Hoàng gặp gỡ Dương Vân Nga
Việc chọn và đưa ra 6 nhân vật lịch sử trong 3 cuốn sách, theo cô Diệu Hiền cũng là cả một quá trình. “Không phải ngẫu nhiên, các nhân vật đó là một sự sắp đặt liền mạch của trình tự lịch sử. Từ thời Ngô Quyền những năm 938 với chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng đến Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Rồi khi Đinh Bộ Lĩnh gặp Dương Vân Nga, sắc phong là hoàng hậu. Kế tiếp là sự chuyển giao quyền lực vào tay họ Lê (Lê Hoàn), lập ra nhà tiền Lê… Nhảy quãng đến vị vua cuối cùng của triểu đình phong kiến Việt Nam là vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu”.
Cô Diệu Hiền cho biết thêm, với cách giới thiệu này, các em học sinh sẽ hiểu được một phần chiều dài lịch sử đất nước một cách trọn vẹn. Các thành viên CLB sẽ xây dựng những kịch bản khác nhau cho từng nhân vật. Với Ngô Quyền là trích đoạn Ngô Quyền kéo quân ra sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán; Đinh Bộ Lĩnh là hoạt cảnh cờ lau dẹp loạn 12 sứ quân và phân đoạn gặp Dương Vân Nga, sắc phong làm hoàng hậu… Trong mỗi hoạt cảnh, các thành viên sẽ đặt câu hỏi cho học sinh toàn trường như nhân vật này là ai, sống vào thời gian nào, có những đóng góp gì trong lịch sử… để các em tự mình tìm hiểu về nhân vật.
“Tất cả những cuốn sách được CLB giới thiệu đều nằm trong hệ thống thư viện của nhà trường. Điều đó vừa nhằm đưa thư viện đến gần hơn với học sinh, vừa giúp lan tỏa văn hóa đọc, tạo thói quen đọc sách, yêu sách ở mỗi em. Qua đó, xây dựng một thế hệ trẻ bản lĩnh và hiểu biết”, cô Diệu Hiền.
Yến Hoa