Thứ sáu, 23/10/2015, 10h30

Kết hợp nhuần nhuyễn nhiều phương pháp

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) thảo luận nhóm - một phương pháp giáo dục lấy người học làm trung tâm. Ảnh: D.Bình

Khi truyền thụ một nội dung, trang bị một tri thức và cả rèn luyện một kỹ năng có thể có rất nhiều phương pháp và không có một phương pháp nào là phương pháp vạn năng.

Hiệu quả giáo dục và dạy học có chất lượng cao khi có được những phương pháp phù hợp và biết kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp khác. Kết hợp là để phát huy và lấy ưu điểm của phương pháp này khắc phục, bù đắp cho những hạn chế khiếm khuyết của phương pháp kia. Có như thế nội dung bài học mới được mổ xẻ kỹ lưỡng, người học mới được thỏa mãn khả năng học, tiếp thu nội dung học một cách đầy đủ và linh hoạt. Như vậy nhận thức về đổi mới phương pháp dạy học hoàn toàn không có nghĩa là từ bỏ các phương pháp truyền thống hay thay thế phương pháp truyền thống bằng các phương pháp khác mà đổi mới, tức là: Làm phong phú đa dạng các hình thức, được phát huy trong môi trường, điều kiện hoàn cảnh mới. Tất cả nhằm mục đích đưa người học vào hoạt động học để chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kỹ năng và hình thành thái độ. Có nghĩa là người học phải được hoạt động cả về tư duy lẫn cơ bắp và xã hội, đồng thời chỉ có thể thông qua hoạt động mới có thể chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành thái độ. 

Vấn đề này không mới. Lịch sử phát triển giáo dục trong đó có dạy học đã chứng minh rằng học đi đôi với hành, đã qua rồi kiểu học thụ động, thầy đọc - trò chép; thậm chí nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện dạy học sáng tạo. Trong khi chúng ta còn đang trong giai đoạn cố gắng phát huy tính tích cực, chủ động học tập của học sinh. Rõ ràng đổi mới phương pháp dạy học không chỉ dừng lại ở sự phong phú đa dạng trong việc sử dụng phương pháp, không dừng lại ở chỗ biết kết hợp nhiều phương pháp mà còn phải thay đổi cả những cách thức, hình thức dạy học, coi trọng cách dạy học, cách hoạt động học của học sinh. Cần có sự thay đổi khác hẳn là chuyển từ việc dạy và học chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò, nặng về truyền thụ kiến thức sang phương pháp giáo dục mới nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của con người lao động mới. Đây là sự thay đổi khác hẳn so với những lần thay đổi trước.

Như vậy, người giáo viên hoạt động giáo dục nói chung và dạy học nói riêng phải có phương pháp. Phương pháp dạy học hiện nay đi theo hướng: Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ người học phát huy tư duy chủ động sáng tạo, chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kỹ năng thực hành và ứng dụng. Trong quá trình giáo dục phải kiên trì nguyên tắc lấy người học làm trung tâm.

Như trên đã nói, phương pháp phải phong phú đa dạng, không thể có phương pháp vạn năng cho tất cả các nội dung. Nhưng một nội dung có thể cần nhiều phương pháp và phải biết kết hợp nhuần nhuyễn nhiều phương pháp nhằm đem lại hiệu quả giáo dục cao nhất.

ThS. Nguyễn Khắc Duy (Trường ĐH Sài Gòn)