Thứ bảy, 24/6/2017, 20h40

Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017: Đề an toàn, nhiều thí sinh sẽ đạt điểm cao

Đó là dự đoán của nhiều giáo viên (GV) không chỉ tại TP.HCM mà ở nhiều địa phương khác ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Về phía thí sinh (TS), đa số các em cho rằng đề thi không khó, nhiều TS rời khỏi phòng thi trước giờ nộp bài...

TS tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) hào hứng khi làm xong bài thi tổ hợp KHXH. Ảnh: D.Bình

TP.HCM: Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn

Báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT TP.HCM trưa 24-6, bài thi khoa học xã hội (KHXH), môn thi thành phần lịch sử có 23.151 TS đăng ký, dự thi chính thức có 22.951 (vắng 200 TS); địa lý có 22.341 TS đăng ký, dự thi chính thức có 22.224 TS (vắng 117 TS), GDCD có 18.631 TS đăng ký, dự thi chính thức 18.575 TS (vắng 56 TS). Ngày thi này không có TS, cán bộ coi thi vi phạm quy chế. Trước đó, TP.HCM có 2 TS bị đình chỉ thi do sử dụng điện thoại di động và đồng hồ thông minh tại khu vực thi.

Đánh giá chung về kỳ thi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết: “Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được giao về cho các sở GD-ĐT tổ chức. Số lượng TS dự thi đông và có nhiều điểm mới nhưng với sự chuẩn bị chu đáo của Sở GD-ĐT, sự phối hợp tốt với các trường ĐH và các ban ngành, kỳ thi tại TP đã diễn ra nghiêm túc, an toàn”.

Trước đó, theo ghi nhận của phóng viên tại các điểm thi, nhiều TS phấn khởi sau khi làm xong môn thi thành phần GDCD dù đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa bộ môn này vào kỳ thi THPT quốc gia. TS Hoàng Trần Minh Trang (học sinh Trường Năng khiếu TDTT), thi tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương vui vẻ: “Đề các môn thi thành phần KHXH mã 317 nằm trong chương trình SGK, chủ yếu là lớp 12 mà chúng em đã ôn tập kỹ nên vừa sức. Đặc biệt những câu cuối của đề GDCD có rất nhiều câu hỏi thực tế nhưng không đánh đố TS. Em dự đoán đạt 7-8 điểm môn GDCD, còn lịch sử và địa lý đạt khoảng 6-7 điểm/môn”.

Cùng tâm trạng này, TS Võ Ngọc Hải (học viên TT GDTX Q.7), thi tại điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1 cho hay: “Em làm mã đề 309. Mỗi môn đều có 40 câu và không có câu nào quá khó. Chỉ có một số câu địa lý yêu cầu TS qua một vài bước tính toán và lịch sử thế giới phải có kiến thức thực tế dành để phân loại TS. Em dự đoán đạt 6-7 điểm ở các môn thi thành phần này”. Được biết, TS này dự thi để xét tốt nghiệp, không dùng để xét tuyển vào các trường ĐH.

Trao đổi nhanh với phóng viên Giáo dục TP.HCM, nhiều GV cũng nhận định đề thi tổ hợp KHXH gồm những kiến thức cơ bản nên không khó đối với TS. Cô Lê Thị Mỹ Tín (GV bộ môn địa lý, Trường THPT Phú Nhuận) cho biết: “Đề không khó, TS khó bị điểm liệt. TS nắm được kiến thức cơ bản và biết cách sử dụng Atlat có thể giành được 9-10 điểm”. GV này dự đoán, đa số TS sẽ đạt từ 6,5-8 điểm, điểm 9-10 cũng cao hơn kỳ thi THPT quốc gia năm trước dù kỳ thi năm trước môn địa lý thi theo hình thức tự luận.

Tương tự, ở bộ môn lịch sử, cô Trần Thị Thu Huyền (GV Trường THPT Trưng Vương) nhận định: “Các câu hỏi của đề thi đều đi vào phần trọng tâm, không đánh đố TS. Những câu hỏi vận dụng cũng không quá khó. Nếu ôn tập kỹ, TS rất dễ đạt 8-9 điểm”.

Môn thi thành phần GDCD có nhiều câu hỏi vận dụng nhất nhưng theo nhận định của các GV thì không quá khó. “Có thể đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa môn GDCD vào thi THPT quốc gia nên đề còn mang tính thăm dò, độ phân hóa chưa cao. TS nắm kiến thức cơ bản trong SGK có thể đạt điểm trên trung bình. Với những câu vận dụng nếu TS không tìm hiểu kỹ nhưng biết cách suy luận cũng ghi được điểm vì đây là những câu gắn liền với đời sống thực tế”, thầy Vũ Hồng Nhân (Tổ trưởng bộ môn GDCD, Trường THPT Trưng Vương) cho biết.

Trước đó, TS tham dự bài thi khoa học tự nhiên than thở là đề rất dài nên làm không kịp thời gian. Tuy nhiên, theo nhận định của GV thì đề dài nhưng không quá khó, điểm thi sẽ cao hơn năm trước. Cô Trần Thị Bích Hường (GV môn sinh học, Trường THPT Lê Quý Đôn) cho biết, đề thi môn thành phần sinh học trong bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên dài nhưng không khó, những TS có học lực khá giỏi dễ đạt điểm cao nếu nắm chắc kiến thức cơ bản. Tương tự, ở môn thi thành phần hóa học, cô Trần Thị Phương Thảo (GV môn hóa, Trường THPT Gia Định) chia sẻ, đối với TS chỉ dùng điểm để xét tốt nghiệp THPT có 10-12 câu hoàn toàn cơ bản nhưng phổ biến. Đề khá hay và phân loại được TS, dự kiến có nhiều điểm 10 hơn năm ngoái.

Nhận định chung về đề thi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết: “Đề thi ra đúng định hướng của Bộ GD-ĐT đã nêu, phân loại được TS từ kiến thức chung đến nâng cao và nâng cao hơn. Đồng thời, đề các bài thi đều có nhiều câu hỏi yêu cầu TS phải suy luận, có tư duy logic. Nhìn chung kết quả đề thi này đủ tin cậy để các trường ĐH xét tuyển”.

TS Đà Nẵng hoàn tất môn thi cuối. Ảnh: V.Y

Đà Nẵng: Chấm thi ngay sau buổi thi cuối

Sáng 24-6, hơn 11 ngàn TS tại Đà Nẵng đã hoàn tất môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, kỳ thi này vắng tổng cộng 528 TS. Tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các điểm thi được đảm bảo tuyệt đối.

Đánh giá về kỳ thi ngay sau khi hoàn tất buổi thi cuối cùng, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, mọi công việc, kế hoạch đã hoàn thành theo tiến độ đề ra. Về công tác thi, chúng tôi rất mừng là được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị Điện lực, Y tế, Công an, PCCC, Sở Thông tin Truyền thông… Các điểm thi tại Đà Nẵng không có sự cố bất thường xảy ra. Về TS có 4 em vi phạm do mang điện thoại vào phòng thi. Cán bộ coi thi đã được tập huấn kỹ nên không xảy ra các sự cố vi phạm nào. Các sự cố đau ốm của các em TS đã được tư vấn kịp thời của lực lượng y tế, động viên của thầy cô giáo, phụ huynh nên đã tiếp tục các môn thi để xét tốt nghiệp THPT và lựa chọn các môn có điểm số cao để cân nhắc xét tuyển ĐH, CĐ”.

Được biết, 14 giờ ngày 24-6, Sở GD-ĐT Đà Nẵng bắt đầu làm phách môn thi tự luận ngữ văn. Đồng thời triển khai các trang thiết bị máy móc để tiến hành quét bài và chấm bài thi trắc nghiệm. Về bài thi tự luận, Đà Nẵng huy động 111 GV đang dạy khối lớp 12 để chấm thi môn văn. Chuẩn bị trang thiết bị và 18 cán bộ GV tham gia chấm trắc nghiệm song hành với chấm tự luận. Dự kiến sau 8 ngày việc chấm thi tại Đà Nẵng sẽ hoàn tất và công bố theo thời gian quy định của Bộ GD-ĐT.

Về việc sai sót tại một số mã đề thi vật lý, ông Vĩnh cho rằng Bộ GD-ĐT đã kịp thời có điều chỉnh. Theo đó Đà Nẵng đã kịp thời nhân bản, phổ biến cụ thể cho giám thị phát bổ sung các điều chỉnh cho TS khi phát đề thi. Tuy nhiên, việc đề thi dẫu sai sót nhỏ nhưng cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý đối với giám thị và TS. Hi vọng Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến của GV và học sinh về khó khăn, vướng mắc của kỳ thi này để điều chỉnh trong kỳ thi sau.

Riêng buổi thi cuối cùng với bài thi tổ hợp KHXH (gồm 3 môn sử, địa và GDCD), Đà Nẵng có 5.758 TS dự thi tại 15 hội đồng thi. Sau khi hoàn tất bài thi ra về, các TS đều tỏ ra rất phấn khởi và cho rằng đề thi các môn xã hội năm nay dễ, nằm gọn trong chương trình đã học, không đánh đố học sinh, nhất là bài thi môn GDCD. 

TS Lưu Thành Minh, dự thi tại điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh, cho biết: “Em chọn các môn khối D để vào ĐH nên dự thi bài thi tổ hợp KHXH chỉ để lấy điểm xét tốt nghiệp. Tuy nhiên em làm bài thi KHXH vẫn rất tốt, cả 3 môn em đều làm được khoảng 80%. Phần đề môn địa lý có khoảng 25% câu hỏi chỉ cần sử dụng Atlat thông thạo là làm được, các câu hỏi khác cũng đều nằm trong chương trình SGK đã học; phần môn sử thì cần phải học bài, nắm vững các vấn đề, sự kiện mới làm được điểm cao; phần môn GDCD thì không có gì đánh đố, có rất nhiều câu hỏi liên quan đến tình huống thực tế rất hay, cho mình hiểu và nắm thêm được nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, pháp luật và em cũng đã được học ở trên lớp rồi”. TS Trần Thế Trường, dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú cũng cho biết: “Đề bài thi tổ hợp KHXH khá dài nhưng nhìn chung dễ. Các câu hỏi môn địa lý và GDCD đều nằm trong chương trình học, riêng môn sử cần phải học bài và nắm vững sự kiện vì phần cuối đề thi có nhiều câu hỏi phủ định đưa ra những đáp án khá tương đồng nhau, nếu không tỉnh táo để phát hiện các cụm từ khóa thì dễ bị nhầm lẫn”.

Nhận xét phần đề thi môn GDCD trong bài thi tổ hợp, đa số TS cho rằng đề rất dễ. TS Phạm Thị Việt Hương cho biết: “Đề thi GDCD quy định 50 nhưng chỉ cần 30 phút là các bạn đã làm xong”.

Báo cáo của Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, buổi thi cuối cùng này vắng 225 TS, trong đó môn sử vắng 97 TS, môn địa vắng 90 TS và môn GDCD vắng 38 TS.

Cần Thơ: TS rất dễ lấy điểm 7

Kết thúc kỳ thi, theo số liệu tổng hợp có 70.538 TS tham dự các môn thi, đạt tỷ lệ 99,22%; số TS vắng là 549 - đa số là TS tự do và hệ GDTX; không có giám thị và TS vi phạm quy chế thi.

Bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, nhấn mạnh: “Kỳ thi được sự hỗ trợ tích cực và trách nhiệm của các sở, ban ngành và các quận, huyện, đặc biệt là các phòng GD-ĐT. Đối với TS, ngoài sự tận tụy giảng dạy của thầy cô giáo, Sở GD-ĐT đã tổ chức thi học kỳ II và thi kiểm tra chất lượng giữa kỳ hệt như kỳ thi THPT quốc gia, đề thi giống đề mẫu của Bộ GD-ĐT. Qua đó giúp các em làm quen với cách tổ chức thi nên TS có được tâm thế vững vàng, tự tin khi bước vào kỳ thi quốc gia”.

Đối với môn thi cuối cùng diễn ra sáng 24-6, tại điểm thi Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, TS Toàn bị gia đình cương quyết không cho thi vì em được một tổ chức từ thiện hẹn đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khám để mổ tim. Thấy vậy, các cán bộ coi thi ở đây nói với phụ huynh của TS Toàn là để em thi xong môn cuối rồi tới bệnh viện cũng chưa muộn. Tuy nhiên, mẹ của Toàn trả lời: “Mổ tim chữa bệnh mới quan trọng. Còn thi tốt nghiệp, không thi năm nay thì sang năm thi”. Ngay sau khi biết tin, bà Trần Hồng Thắm (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ) đã liên hệ với Sở Y tế Cần Thơ và xin cho TS Toàn khám tim sau khi thi xong. Nhờ vậy, gia đình mới đồng ý cho Toàn tham gia thi. Khi Toàn vào phòng thi, chỉ còn 5 phút là giám thị phát đề.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Cần Thơ kiểm tra đột xuất các điểm thi. Ảnh: Đ.Phượng

Trước đó (ngày 23-6) tại điểm thi Trường THCS-THPT Trường Xuân, thi xong môn ngoại ngữ, một nữ TS trên đường về nhà khi băng qua đường đã bị một thanh niên đi xe gắn máy tông trúng. TS té xuống đường và được người dân cùng các giám thị tại điểm thi kịp thời đưa đến bệnh viện. Qua thăm khám, TS bị xây xát nhiều vùng phần mềm và gãy tay trái phải bó bột. Xong, nhờ sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ, sáng ngày 24-6 em tạm đủ sức khỏe trở lại điểm thi. Sau khi thi xong, bệnh viện đưa xe đón em về để tiếp tục điều trị.

Kết thúc buổi thi này hầu hết TS nhận xét đề thi vừa sức, nằm trong chương trình lớp 12, khá sát với đề minh họa của Bộ GD-ĐT, không đánh đố học sinh. Nhiều TS cho rằng, nếu chăm chỉ học, làm các bài tập theo hướng dẫn của thầy cô giáo thì rất dễ lấy điểm 7 cho các môn.

Tại điểm thi Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, các TS lớp chuyên phấn khởi cho biết: “Chắc ăn đạt từ điểm 8 trở lên cho cả 3 môn thi trong tổ hợp”. Các em cũng “tự cho điểm 10” đối với môn GDCD và cho rằng đây là môn thi Bộ GD-ĐT tặng điểm cho TS. Em Nguyễn Minh Yên Thi phân tích: “Các môn sử, địa đều có 30 câu dạng thông hiểu, nhận biết kiến thức; 10 câu còn lại là phân loại nên TS phải thông hiểu, nắm vững vấn đề và ứng dụng kiến thức để chọn câu đúng. Theo em, môn địa khá dễ, ngoài các câu có trong Atlat, còn lại hỏi về thống kê, biểu đồ. Những câu khó là vận dụng kiến thức thực tế, trong đó có câu liên quan đến các vấn đề nóng của đồng bằng sông Cửu Long. Em tin sẽ đạt 9 điểm. Môn sử khó nhất - Mã đề của em có những câu hỏi liên quan đến các giai đoạn lịch sử từ 1930 đến 1975 với những cuộc chiến Vệ quốc, hoặc những câu hỏi có những đáp án khá giống nhau, phải suy nghĩ cẩn thận mới xác định được câu đúng nhất”.

D.Bình - V.Yên - Đ.Phượng