Thứ hai, 7/6/2010, 08h06

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010: “Sạn” vẫn còn

Một kỳ thi quốc gia cho năm tới còn bỏ ngỏ
Từ ngày 18 đến 25-6, các thí sinh nộp đơn phúc khảo

Giám thị kiểm tra giấy thi của thí sinh. Ảnh: T.T.Q

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 đã kết thúc và không có sự cố nào đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có câu trả lời cụ thể về lộ trình tiến tới một kỳ thi quốc gia…
Vi phạm quy chế giảm mạnh
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục KT&KĐCLGD - Bộ GD-ĐT cho biết: Tỷ lệ thí sinh (TS) dự thi so với tổng số đăng ký thi đạt 99,47%, tương đương kỳ thi năm 2009.
Số TS bị tai nạn giao thông trong khi đi thi là 56 trường hợp, giảm 17 trường hợp so với năm 2009; số TS vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi trong toàn quốc là 90, giảm 209 trường hợp so với năm 2009; có 1 giám thị bị xử lý do làm rách bài thi của TS tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Những hiện tượng bất thường và các sự cố xảy ra trong các giờ thi đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy chế thi.
Việc trực thi và việc thực hiện chế độ báo cáo có chuyển biến tiến bộ ở mỗi địa phương và trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo cập nhật thường xuyên, liên tục, đầy đủ và chính xác thông tin, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý tổ chức thi. 
Đánh giá chung của Bộ GD-ĐT là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 đã được tổ chức đúng kế hoạch, đúng quy chế, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội và diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương đổi mới thi và tuyển sinh của ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trước câu hỏi khi nào thì một kỳ thi quốc gia được tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Tín hiệu nghiêm túc ở kỳ thi thể hiện ở nhiều thứ chứ không phải riêng ở vấn đề TS vi phạm. Ở các hội đồng, vẫn có sai phạm nhưng nghiêm túc hơn năm trước. Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục nghiên cứu phương pháp cải tiến thi nên hiện chưa thể khẳng định năm 2011 sẽ chỉ còn kỳ thi quốc gia”.
“Từ ngày 18 đến 25-6, các TS nộp đơn phúc khảo. Các tỉnh hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho TS trước ngày 24-6. Việc phúc khảo phải được kết thúc sớm để kịp thời gian các em chuẩn bị cho kỳ thi đại học”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Một vài nơi còn chưa nghiêm túc

Kiểm tra giấy nháp thi của TS. Ảnh: T.T.Q

Tại buổi họp báo kỳ thi tốt nghiệp THPT và BT THPT 2010 do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 4-6, nhiều phóng viên đã nêu ý kiến về tình trạng giám thị tại các hội đồng thi TTGDTX tỏ ra dễ tính đối với các TS. Cụ thể như tại Hội đồng thi TTGDTX Kim Động, Hưng Yên, tình trạng lộn xộn đã diễn ra ngay trước mắt các phóng viên đi cùng đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT. Thậm chí còn dùng điện thoại trong phòng thi. Trong khi đó, đến cuối buổi thi, tại hội đồng thi này vẫn không có TS nào bị xử lý!?
Hay như tại Hội đồng thi TTGDTX huyện Sóc Sơn, Hà Nội, mãi đến cuối buổi thi môn lịch sử mới phát hiện ra trường hợp thi hộ, người phát hiện không phải giám thị trong phòng thi mà do bảo vệ tại vòng ngoài.
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận có hiện tượng trên. Bộ sẽ rút kinh nghiệm cụ thể.
Theo ông Nghĩa, vẫn còn tình trạng nhiễu thông tin về đề thi trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của phụ huynh, học sinh. Một số website, tiệm photocopy tung tin lộ đề thi để bán bài giải trục lợi. Vẫn còn xuất hiện phao thi vứt quanh hội đồng thi sau mỗi buổi thi.
Về tình trạng nhiễu đề thi, Thứ trưởng Hiển cho rằng điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của Bộ GD-ĐT. Do đó, hướng giải quyết của ngành là năm tới, sẽ yêu cầu các trường nhắc nhở TS về vấn đề này.
Tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi băn khoăn vì tính nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp hàng năm. Điểm qua một chút có thể thấy: năm nay số thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT đã giảm từ 9.000 người xuống còn 600 người (giảm trên 90%). Một địa phương đông TS thi như Hà Nội với trên 83.000 TS dự thi tại 170 cụm thi cũng chỉ có 11 thanh tra ủy quyền của bộ thực hiện nhiệm vụ theo hình thức “vi hành”.
Việc giảm thanh tra ủy quyền sau một thời gian ngắn thực hiện được bộ giải thích là để tăng khả năng tự chịu trách nhiệm cho các sở.
Nhìn lại chặng đường mà “2 không” đã đi có thể thấy những nghi ngờ của dư luận là hoàn toàn có cơ sở. Năm 2006, khi Bộ GD-ĐT chính thức phát động cuộc chiến chống tiêu cực, đến kỳ thi tốt nghiệp 2007, nhiều địa phương đã “rớt” hạng một cách thê thảm. Thậm chí có một số trường THPT còn có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 0%.
Nhưng đến năm 2008, tình thế đã thay đổi hẳn khi có chủ trương tập trung ôn luyện cho những học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Năm 2009, thứ hạng sắp xếp lại về đúng “trật tự” như trước 2 không.
Dường như độ tin tưởng vào chất lượng giáo dục tại các địa phương đã tăng lên, bộ quyết định giao quyền cho các giám đốc sở GD-ĐT trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010.
Nghiêm Huê