Thứ năm, 24/8/2017, 20h55

Khắc phục “hội chứng sau hè” cho trẻ

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Không ít cha mẹ ngạc nhiên khi thấy con có những biểu hiện tâm lý tiêu cực khi bước vào năm học mới. Lẽ ra, sau mùa hè sảng khoái thì các em được tận hưởng những niềm vui cùng bạn bè, thầy cô và sẵn sàng cho việc học tập. Vậy mà, đã không ít trẻ lại tỏ ra lười học tập, chán học, trốn học, kết quả học tập xa sút… Những biểu hiện này, nhiều phụ huynh cũng bất ngờ và chưa thể giải mã, thậm chí lại phản ứng một cách mạnh mẽ với con trẻ, tạo nên xung đột giữa cha mẹ và con cái.

Theo các nhà tâm lý thì những biểu hiện tâm lý mới sau thời gian nghỉ ngơi là hết sức bình thường. Có hai chiều hướng: Hướng tích cực, tức là sau thời gian nghỉ ngơi thì trẻ sẵn sàng cho một hoạt động mới, như thích thú được trở lại công việc học tập, phấn khởi khi được gặp lại bạn bè, thầy cô, trường lớp, hoặc sẵn sàng khi cha mẹ, thầy cô giao bài tập. Các em coi thời gian nghỉ như là phần thưởng sau một năm học tập vất vả. Hướng tích cực thường có được nếu cha mẹ biết cách giúp con có kế hoạch nghỉ hè hợp lý. Ngược lại, hướng tiêu cực là các em bỏ bê công việc học tập, mất hứng thú, chán nản, thiếu tập trung, phân tán chú ý, tỏ ra mệt mỏi với học tập… Vì thế, sau thời gian nghỉ hè dài ngày, nhiệm vụ của người lớn là phải làm sao kích thích được thái độ tích cực của các em trong học tập, coi thời gian hè là phần thưởng để xả hơi, ổn định sức khoẻ, cân bằng tâm lý cho năm học mới bắt đầu.

Một số biện pháp cụ thể cha mẹ có thể tham khảo trong quá trình giáo dục để giúp con mình lấy lại phong độ sau hè là:

1. Ngay từ những ngày đầu mùa hè, cha mẹ cần lập cho con một kế hoạch cụ thể để mục đích quan trọng nhất là được xả hơi phù hợp. Tổ chức cho con những hoạt động vừa giúp các con thoả mãn nhu cầu tinh thần đồng thời phải thể hiện trách nhiệm đối với cá nhân và gia đình, xã hội. Cụ thể là cần phải tạo điều kiện để cho các em có thể tận hưởng những niềm vui vừa khoẻ mạnh vừa mang lại những bài học bổ ích như những chuyến về thăm quê hương dòng họ, giúp đỡ ông, bà, anh em bà con trong các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó mà phát triển những kỹ năng lao động chân tay và học được thêm giá trị sống.

2. Chuẩn bị vào năm học mới, gia đình cũng cần nhắc nhở, định hướng, giúp đỡ các em sẵn sàng cả về sức khoẻ, phương tiện học tập, tinh thần, tâm lý để sẵn sàng cho một hoạt động mới. Cũng cần lưu ý rằng, thời gian cuối hè, cha mẹ nên chú ý là hạn chế tối đa việc cho con chơi game online nhất là các trò chơi điện tử mới lạ hấp dẫn để giúp các em thích ứng dần với hoạt động học tập và tham gia các hoạt động mới ở nhà trường. Đối với học sinh tiểu học thì cha mẹ có thể cho con đến trường làm quen với bạn bè, thầy cô mới, qua đó tạo cho các em sự thoải mái, tránh bị tâm lý sợ sệt, lo lắng dễ gặp phải.

3. Ở nhà trường, những ngày đầu năm học, nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động như giao lưu, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo điều kiện cho các em có nhiều cơ hội để tiếp xúc với bạn bè, thầy cô cũng như giảm bớt những áp lực thường xảy ra trong học tập. Trong dạy học, thầy cô nên thường xuyên tiếp xúc nhiều hơn với các em, động viên khích lệ để các em dễ dàng làm quen với hoạt động mới. Cần đổi mới phương pháp dạy học, kết hợp nhuần nhuyễn các cách tác động đảm bảo sự nhẹ nhàng, thoải mái, tránh áp đặt, hoặc giao bài tập quá nhiều gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Để trẻ nhanh chóng thích ứng với việc học tập sau hè, cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với giáo viên đồng hành với các em trong mọi tình huống.

Th.S Nguyn Văn Công
(Ging viên tâm lý hc)