Thứ năm, 11/1/2018, 22h56

Khắc phục nạn yếu ngoại ngữ

Người lao động có chuyên môn giỏi nhưng thiếu ngoại ngữ thì xem như không có giá trị hành nghề. Đây là khẳng định của các chuyên gia tuyển dụng lao động.

Ứng viên được doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp bằng ngoại ngữ tại Sàn giao dịch việc làm do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức vào tháng 10-2017. Ảnh: T.Tri

Không có ngoại ngữ: Khó tìm việc

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tính đến ngày 31-12-2017, tổng số cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn thành phố là 12.786 người. Về năng lực ngoại ngữ, số lượng cán bộ quản lý có chứng chỉ quốc gia A, B, C là 682 người, số này ở giảng viên - giáo viên là 6.308 người; trong khi đó chỉ có 319 cán bộ quản lý và 1.448 giảng viên - giáo viên có chứng chỉ quốc tế.

Tại Hội nghị tổng kết ngành GDNN TP.HCM mới đây, hiệu trưởng nhiều trường CĐ-TC lo lắng với năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên - giáo viên còn khiêm tốn thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP là không dễ. Đó là chưa kể đầu vào bậc CĐ-TC khối GDNN khá thấp, trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên cũng hạn chế. Đại diện Trường TC nghề Kỹ thuật Kinh tế Sài Gòn 3 lo ngại về trình độ tiếng Anh của học sinh, sinh viên hiện nay. Cụ thể, các em ra trường có chuyên môn tốt nhưng không đọc được catalog bằng tiếng Anh thì cũng bằng không, khó có cơ hội tìm việc làm.

Ông Phạm Đức Khiêm (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM) cho biết rất coi trọng việc đào tạo ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh cho sinh viên để có đầu ra chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Cùng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) khẳng định, dù chuyên môn giỏi đến mấy nhưng ngoại ngữ yếu kém là thiệt thòi, không thể cạnh tranh ở thị trường lao động trong nước.

Từ thực tế Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017 tại Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương) đúc kết: Học sinh, sinh viên Việt Nam thua kém các quốc gia trong khu vực về tiếng Anh. Đây là một bất lợi có thể đánh mất cơ hội giành giải thưởng, mặc dù chuyên môn kỹ thuật các em có khá hơn.

Bên cạnh một số trường quan tâm đặt mục tiêu trang bị ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên thì cũng có không ít trường còn thờ ơ với bộ môn này. Ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) nói: “Nhắc đến việc đào tạo tiếng Anh cho học sinh, sinh viên thì một số trường lại bàn… ra”.

Khó mấy cũng thực hiện

“Các trường cần chấm dứt kiểu đào tạo tiếng Anh cho có, không chú trọng đến đầu ra. Các nước đào tạo ngoại ngữ có thể đi làm việc trong khu vực và thế giới, còn mình đào tạo ra nói… chỉ mình hiểu!”, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) nói.

Ông Đặng Minh Sự cho biết, dự kiến trong tháng 7-2018, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo Thực trạng và các giải pháp nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố. Mục đích nhằm đánh giá thực trạng năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên để có giải pháp nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng. Và để có lực lượng giáo viên - giảng viên giỏi ngoại ngữ, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM sẽ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ này (kể cả cán bộ quản lý) ở các trường CĐ-TC trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ đào tạo 40 giáo viên - giảng viên theo chuẩn BTEC (Anh quốc), tức là sau tốt nghiệp người học có trình độ tương đương B1 theo khung tham chiếu châu Âu.

Trước những yêu cầu của thị trường lao động trong thời hội nhập, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đề nghị các trường được chọn đào tạo nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế đưa tiếng Anh vào giảng dạy và là môn điều kiện để tốt nghiệp. “Khó mấy cũng phải thực hiện bởi để có một nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể thiếu ngoại ngữ. Các trường cần chấm dứt kiểu đào tạo tiếng Anh cho có, không chú trọng đến đầu ra. Các nước đào tạo ngoại ngữ có thể đi làm việc trong khu vực và thế giới, còn mình đào tạo ra nói… chỉ mình hiểu!”, ông Lâm đánh giá.

Tuy nhiên, hiệu trưởng một trường TC cho rằng hầu hết học sinh, sinh viên vào học ở hệ này là do không đủ năng lực để vào ĐH, ngoại ngữ cũng chẳng khá hơn. Bản thân các em không muốn học chữ, vì vậy việc ép buộc học ngoại ngữ là áp lực đối với các em. Vị hiệu trưởng này dẫn chứng, có không ít học sinh, sinh viên bỏ học giữa chừng do phải vừa học nghề vừa học văn hóa, khi bỏ học văn hóa thì đối tượng này quay trở lại trường nghề. Nếu đưa điều kiện tiếng Anh vào môn thi tốt nghiệp như Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đề cập thì tuyển sinh GDNN đã khó lại càng khó hơn.

T.Anh