Thứ năm, 12/11/2015, 12h07

Khắc phục tính nhút nhát ở trẻ

Những đứa trẻ mạnh dạn, tự tin luôn cảm thấy thoải mái hơn với chính mình (ảnh minh họa)

Nhút nhát, thiếu tự tin khiến một đứa trẻ khó hòa nhập hoạt động đám đông, thể hiện những khả năng của bản thân. Điều này có thể ảnh hưởng đến học tập, cuộc sống hiện tại cũng như về sau.

Rụt rè trước mọi tình huống

Thể hiện của đứa trẻ nhút nhát, thiếu tự tin đó là ngại ngùng, không mạnh dạn giao tiếp, tham gia các hoạt động tập thể để nói lên suy nghĩ, đóng góp ý kiến cá nhân. Như Quỳnh năm nay học lớp 3, nổi trội hơn các bạn cùng lớp về hình thể nhưng trái lại, Quỳnh là cô bé ít nói, luôn e thẹn, thụ động phát biểu, xây dựng bài vở. Trong các hoạt động vui chơi của lớp, của trường, Quỳnh tỏ ra không tự tin, trừ khi có sự động viên của cô giáo, bạn bè thì cô bé mới hòa nhập tốt. Đôi lúc gặp khó khăn trong học tập, Quỳnh luôn tự loay hoay giải quyết vấn đề, ít nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè, giáo viên xung quanh. Cũng bởi nhút nhát, thiếu tự tin, Quốc Hưng, lớp 7, Trường THCS Thăng Long (Q.3, TP.HCM)  dễ dàng nhường mọi cơ hội đóng góp ý kiến, phát biểu dành cho bạn bè mặc dù học lực rất khá. Trong những hoạt động đội nhóm, gặp tình huống bất khả kháng phải đứng ra giải quyết vấn đề, Hưng luôn đỏ mặt, gãi đầu gãi tai, nói ấp úng, không lưu loát.

Chị Bảy, mẹ Hưng chia sẻ, nhà có hai anh em, em gái nhanh nhảu, hoạt bát, luôn xung phong trong mọi công việc và tỏ ra tự tin. Còn Hưng, rụt rè, phải đợi sự thúc giục. Mỗi khi nhà có khách là không thấy mặt đâu cả, cứ trốn lên trên gác. “Không ít lần tôi cố tình sai lấy nước mời khách để tập cho cháu mạnh dạn ra là y như rằng nó luống cuống, làm vội cho xong rồi lại trốn lên gác. Nhiều lúc sinh bực, la hoài mà cũng không khá lên. Hàng xóm cứ khen cháu hiền lành, nhưng với tính cách này, không biết mai mốt ra ngoài xã hội sẽ như thế nào”, chị Bảy lo lắng.

Thiệt thòi nếu nhút nhát, thiếu tự tin

Theo bà Võ Thị Minh Huệ, chuyên gia tư vấn tâm lý, công tác tại Phòng khám Nhi đồng thành phố, đối với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình không trọn vẹn về tình cảm  thường rơi vào tình trạng nhút nhát, thiếu tự tin.

“Trong lần gần đây, khi đi xuống chung cư, tôi thấy một chị phụ nữ đang vất vả cho một em bé ăn uống. Đứng bên cạnh có một phụ nữ khác luôn miệng buông lời hù dọa: “Không ăn thả ra đường cho xe nó cán chết mẹ nó đi. Bảo chú công an mổ bụng móc ruột nó luôn...”. Cách dọa dẫm này dễ dàng khiến đứa trẻ nghe lời, ngoan ngoãn lúc đó, nhưng vô tình khiến trẻ mang nỗi ám ảnh, sợ sệt vì trẻ không hiểu được đó chỉ là hù dọa. Hậu quả, sự hồn nhiên, vô tư sẽ mất đi, thay vào đó là sự nhút nhát, thiếu tự tin ngay từ bé, có thể ảnh hưởng về  sau” - bà Minh Huệ cho biết.

Nhút nhát, thiếu tự tin khiến trẻ luôn thu mình, không thể cởi mở trong giao tiếp, hoạt động khiến cơ hội bộc lộ khả năng bản thân mất đi, ít nhận được sự hỗ trợ của bạn bè, người lớn xung quanh. Điều này dẫn đến cuộc sống, học tập bị ảnh hưởng, về sau khó đạt được các cơ hội tốt đẹp trong công việc, thậm chí cả cuộc sống hôn nhân, gia đình. Bà Minh Huệ chia sẻ, mạnh dạn, tự tin bắt đầu từ môi trường gia đình nếu ngay từ nhỏ, trẻ được cha mẹ mang đến sự hồn nhiên trong trẻo trong giao tiếp, cuộc sống. Bên cạnh đó, để trẻ mạnh dạn, tự tin, bản thân phụ huynh cần quan tâm, khích lệ những việc làm tốt cũng như công nhận những quyết định đúng đắn của trẻ, không nên tiết kiệm lời khen và tránh phê bình gay gắt. Nếu bản tính trẻ nhút nhát, thiếu tự tin từ nhỏ thì cần tạo điều kiện cho trẻ tham gia nhiều hoạt động, phong trào, mở rộng môi trường giao tiếp.

Riêng trẻ ở tuổi dậy thì, đây là giai đoạn thay đổi tâm sinh lý, thể chất khiến trẻ dễ lo lắng, kém tự tin trước những thay đổi. Không ít trường hợp trẻ giai đoạn này đến khám, tư vấn tâm lý đều rơi vào tình huống mất tự tin về bản thân, cảm thấy bế tắc trong các mối quan hệ bạn bè, thầy cô, cha mẹ. Theo đó, trẻ thường đặt các câu hỏi mình là ai? Về sau mình sẽ như thế nào?... Để tháo gỡ khó khăn cho trẻ, giúp trẻ dễ dàng bộc lộ tâm sự và tự tin, ngoài những việc làm trên, phụ huynh nên đặt mình vào cuộc sống của trẻ để dễ dàng hiểu cảm giác, tâm trạng, từ đó đưa ra những lời khuyên, định hướng phù hợp hơn với trẻ”.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

“Những đứa trẻ mạnh dạn, tự tin luôn cảm thấy thoải mái hơn với chính mình, nhìn nhận khả năng bản thân một cách tích cực, có nhiều điều thú vị muốn chia sẻ, dễ dàng tạo dựng được nhiều mối quan hệ. Chính sự tự tin giúp trẻ hứng thú trải nghiệm mọi vấn đề, có thể làm việc độc lập, dễ dàng vượt qua thử thách để đạt lấy kết quả. Theo đó, trẻ biết tự hào về thành quả, sẵn sàng nhận trách nhiệm, khắc phục những hạn chế và phát huy giá trị bản thân…” - bà Võ Thị Minh Huệ cho biết!