Thứ năm, 12/10/2017, 09h21

Khách đến nhiều, chi tiêu ít

Đó là nghịch lý đáng buồn của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong thu hút khách du lịch hiện nay.\

Khách du lịch tham quan tại TP.HCM /// Ảnh: Ngọc Dương
Khách du lịch tham quan tại TP.HCM. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Tăng 16,6% lượt khách nhưng chỉ tăng 10% doanh thu
Trong 9 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế đến TP.HCM đạt 4,2 triệu lượt khách, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng doanh thu du lịch chỉ tăng 10%. Cần Giờ - nơi được kỳ vọng là điểm nhấn thu hút du lịch của TP trong 7 tháng đầu năm có gần 840.000 lượt khách du lịch tới tham quan, tăng 44% so với cùng kỳ, chiếm tới 25% trong tổng lượng khách đến TP.HCM nhưng doanh thu chỉ chiếm... 0,54%. Cụ thể, mỗi khách du lịch đến Cần Giờ chỉ tiêu trung bình 400.000 đồng.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ thừa nhận con số tăng trưởng về doanh thu không tương xứng với lượng khách đến. Theo ông, một trong những nguyên nhân lớn nhất hiện nay là xu hướng khách đặt tour, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn thông qua các trang đặt phòng trực tuyến của các đơn vị nước ngoài khiến doanh nghiệp (DN) dịch vụ trong nước và DN lữ hành thất thu lớn.
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng không nên đặt so sánh giữa số lượng khách đến và doanh thu vì bản chất thống kê khách du lịch hiện nay còn nhiều vấn đề chưa chuẩn xác. Đơn cử, trong cơ cấu khách nội địa, khách hành hương chiếm tỷ lệ rất lớn, đối tượng khách này gần như không chi tiêu gì.
Về nguyên nhân khách đến VN chi tiêu ít, PGS-TS Phạm Trung Lương phân tích: Thứ nhất, các dịch vụ du lịch của chúng ta hiện nay dù đã khá đa dạng nhưng đẳng cấp và chất lượng vẫn chưa được như kỳ vọng, khiến mức chi trả thấp. Thứ hai, dịch vụ về đêm có thể thu được nhiều tiền như các chương trình biểu diễn, quán bar vẫn còn bị hạn chế. Bên cạnh đó, độ dài trung bình của các chuyến du lịch tại VN còn ngắn. Bên cạnh đó, lượng khách đi theo đoàn, theo tour, khách có tiền chưa trở thành phân khúc chính, mà khách “tây ba lô” nhiều.
Liên kết để kéo dài thời gian lưu trú
Theo ông Trần Văn Long - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, công nghệ thương mại điện tử càng phát triển thì con người sẽ tìm đến các phương thức nhanh gọn, giản tiện hơn. Vì thế, các DN du lịch cần tính toán xây dựng phương thức công nghệ đi cùng như đầu tư mạnh hơn vào hệ thống thương mại điện tử, đón đầu ngay từ bước quảng bá phía nước bạn, thu hút khách nước ngoài đến VN.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhận xét các dịch vụ du lịch tại TP.HCM còn chưa nhiều, thiếu sản phẩm thu hút sức chi tiêu của khách. Đơn cử, để thu hút khách du lịch đến TP.HCM và tiêu tiền, Sở Du lịch đã kết hợp cùng Sở Công thương tổ chức tháng khuyến mãi năm 2017 với hơn 30.000 mặt hàng giảm giá, khuyến mãi trên địa bàn TP trong khoảng thời gian từ tháng 9 - 12. Tuy nhiên, chương trình này chưa thực sự mang lại hiệu quả, vì quy định Sở Công thương đưa ra chỉ cho phép giảm giá tối đa đến 50%, trong khi các nước đều cho phép giảm sâu hơn.
“TP cũng đang triển khai rất nhiều chương trình nhằm làm phong phú các sản phẩm du lịch như phát triển du lịch đường thủy, mở cửa thông tầm, ứng dụng công nghệ thông tin trong thuyết trình tại các bảo tàng, cải tạo các phố đi bộ Bùi Viện, Nguyễn Huệ... Kéo dài thời gian lưu trú của khách vẫn là mục tiêu chính. Làm sao để có thêm nhiều tour, tuyến”, ông Vũ nêu.
Ông Trần Văn Long nhận xét TP.HCM muốn kéo dài thời gian lưu trú của khách thì phải liên kết với các tỉnh, thành lân cận. Hiện sự liên kết vẫn chỉ mang tính hời hợt, mạnh ai nấy làm. Chỉ riêng trong TP.HCM cũng có rất nhiều sản phẩm du lịch ở cách trung tâm chỉ vài chục ki lô mét như Long Phước (Q.9) hay các huyện Củ Chi, Cần Giờ nhưng cũng chưa có sự phối hợp. Vì thế, du khách thường xuống tận Bến Tre, Tiền Giang, Mỹ Tho để trải nghiệm những dịch vụ tương đồng.
“Liên kết sản phẩm chính là mấu chốt để kéo dài thời gian lưu trú của khách, chia sẻ gánh nặng xúc tiến cho các DN và tăng doanh thu du lịch cho TP”, ông Long nói.

Hà Mai/TNO