Thứ năm, 16/8/2018, 16h09

Khách "nhà giàu" không thể ghé TP HCM vì tàu thiếu bến đậu

Hàng ngàn khách tàu biển đến từ nhiều nước không thể ghé TP HCM tham quan, mua sắm vì thiếu cầu cảng, bến đậu, trong khi đây là nhóm khách chi tiêu cao.

Ngày 16-8, Sở Du lịch TP HCM tổ chức tọa đàm về công tác quản lý nhà nước về du lịch của TP HCM, 25 năm thành công và thách thức.

Theo Sở Du lịch TP, nếu năm 1993, khách quốc tế đến TP chỉ 519.000 lượt thì năm 2017 đã đạt gần 6,4 triệu lượt. Trong nửa đầu năm nay, lượng khách quốc tế đạt 3,8 triệu lượt và dự báo cả năm có thể 7,5 triệu lượt. Qua 25 năm, lượng khách quốc tế đến TP đã tăng 14 lần và chiếm khoảng 50% lượng khách quốc tế đến cả nước.

Lượng khách du lịch nội địa và tổng thu du lịch cũng có mức tăng ấn tượng trong thời gian qua. Hiện tỉ lệ đóng góp từ doanh thu toàn ngành du lịch trong cơ cấu GRDP (tổng thu nhập trên địa bàn) của TP chiếm khoảng 11%.

Khách nhà giàu không thể ghé TP HCM vì tàu thiếu bến đậu - Ảnh 1.

Khách tàu biển thuộc nhóm chi tiêu cao tại điểm đến, nhưng TP thất thu từ phân khúc khách này vì tàu biển không có chỗ neo đậu. Ảnh: NLĐ

Dù đạt nhiều tín hiệu tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trên địa bàn ngày càng lớn nhưng ngành du lịch TP vẫn còn nhiều thách thức. "Sự xuất hiện của các điểm đến mới trong nước cùng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các TP lớn trong khu vực Đông Nam Á là một thách thức không nhỏ" – bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP nhìn nhận.

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, nhận xét cùng với sự phát triển của du lịch Việt Nam, du lịch TP đang ngày càng khẳng định vị trí của một địa phương đi đầu trong cả nước và có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, du lịch TP phát triển chưa tương xứng vị thế và đáp ứng kỳ vọng, trong đó có yếu tố quản lý nhà nước về du lịch.

Dù là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước nhưng đến nay, TP lại đi sau nhiều địa phương khác trong xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Chưa nỗ lực trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách tạo đột phá cho du lịch để TP trở thành điểm đến "du lịch không ngủ" và tạo những sản phẩm du lịch đặc thù của TP như mua sắm, du lịch sinh thái cộng đồng Cần Giờ...

Trong khi đó, Sở Du lịch TP cũng nhìn nhận hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch từ hệ thống giao thông, cấp thoát nước... cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của TP, chưa kết nối đồng bộ với các điểm đến trên địa bàn. Hệ thống cảng biến, cầu tàu bến đỗ phục vụ du lịch đường thủy còn nhiều bất cập...

TS Hà Thị Bích Liên, cố vấn cấp cao của 2 hàng tàu hàng đầu thế giới đến từ Mỹ và Đức, cho biết Sài Gòn luôn là điểm đến hàng đầu của khách tàu biển trên những du thuyền cao cấp từ Mỹ, Đức, nhưng thời gian qua một số tàu biển không thể tới TP vì thiếu bến đậu, cầu cảng. Một tàu biển mang theo từ 3.000-5.000 khách quốc tế, nhóm khách hàng chi tiêu cao.

"Theo kế hoạch đầu tháng 9 sẽ có tàu biển chờ 2.800 khách đến TP HCM nhưng phải hủy vì không có bến đậu. Một tàu biển khác chở 4.800 khách quốc tế dự kiến tới TP cũng phải huỷ. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về việc thiếu cầu cảng chuyên dụng đón khách du lịch nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết, dù cơ quan quản lý địa phương như Sở Du lịch TP và các đơn vị đã hỗ trợ nhiều. Chuyện những tàu biển chở khách du lịch khổng lồ từ các nước tới du lịch TP nhưng không cập cảng được là đáng buồn" – TS Liên nói.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Tá Hoàng Vũ lý giải hiện đang làm việc quyết liệt với các đơn vị, trong đó có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để hỗ trợ xử lý. Bởi một tàu khách du lịch cập cảng, phí neo đậu khoảng 30.000 USD nhưng tàu chở hàng mức phí này là khoảng 230.000 USD. Xét về kinh tế, chủ đầu tư cảng biển cũng có sự lựa chọn nhưng ở góc độ chung sẽ thiệt hại cho ngành du lịch vì du khách không ghé. Do đó, cơ quan quản lý đang phối hợp tìm cách giải quyết.

Thái Phương/ NLĐO