Thứ năm, 12/11/2015, 12h17

Khan hiếm sách hay

Độc giả luôn đón chờ những cuốn sách do chính người Việt viết (ảnh chụp ở Ngày hội sách cũ tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM)

Trong thời gian qua, nhiều cuốn sách do chính người Việt viết cho độc giả người Việt đã tạo những hiệu ứng mạnh, gây “bão” trên thị trường sách. Điều đó cho thấy, cơ hội của người viết hôm nay không hề mong manh.

“Khát” sách người Việt viết cho người Việt

Vừa qua, Ngày hội sách cũ diễn ra từ ngày 6 đến 8-11 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM đã thu hút đông đảo độc giả tìm đến. Những tín hiệu vui cho thấy văn hóa đọc có lẽ chưa đến mức tuyệt vọng như nhiều người vẫn bi quan. Trong khuôn khổ của Ngày hội sách cũ, cuộc tọa đàm “Người Việt viết cho người Việt” cũng đã thu hút rất nhiều độc giả, đặc biệt là các độc giả trẻ. Chương trình có sự góp mặt của các tác giả: MC Quỳnh Hương (tác phẩm An nhiên mà sống), nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy (tác phẩm Hãy tìm tôi giữa cánh đồng, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Làm ơn hãy để con yên, Những lối về ấu thơ), tác giả - doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh (tác phẩm Hãy sống ở thể chủ động, Sống tích cực để yêu thương).

Có một thực tế không thể phủ nhận là sách dịch đang tràn lan trên thị trường sách Việt Nam, lấn át sách do người Việt viết cho người Việt. Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng Giám đốc của Công ty Alpha Books thì “thị trường sách Việt Nam hiện nay phát triển nhanh chóng với khoảng 38.000 đầu sách và 350 triệu bản sách mỗi năm. Trong đó, số sách dịch chiếm đến 75% tổng số sách, từ văn học đến sách kỹ năng, kinh tế… và chi phối nhiều đến thị trường sách Việt Nam”. Một thực tế đáng buồn hơn là nhiều độc giả vẫn than thở rằng để kiếm một cuốn sách hay do chính người Việt viết cho người Việt lại càng khó.

Tại tọa đàm, nhiều bạn trẻ bày tỏ băn khoăn về vấn đề đời sống thu nhập của người viết. Có thể nói, ở Việt Nam, để người viết sách có thể sống bằng nghề quả thật rất hiếm, trừ một số tác giả nổi tiếng như Nguyễn Nhật Ánh. Khi gánh nặng cơm áo gạo tiền còn đè nặng thì nhiều người viết sách chỉ xem đó là một cuộc dạo chơi chứ họ không đủ can đảm để sống bằng nghề này. Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh thì những người thực sự sống được bằng nghề viết sách rất ít, bởi, với cơ cấu về tiền bản quyền hiện nay, thì mỗi năm tiền tác quyền viết sách một tác giả chỉ được khoảng 10 triệu đồng. Có thể xem đó là một trong những nguyên nhân chính khiến một số người viết sách không “mặn mà” với nghiệp viết. Viết một quyển sách cả năm trời, khi xuất bản tác giả có thể bị lỗ vốn. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là do nhiều người Việt có tâm lý thích sản phẩm ngoại nên cũng đã làm cho thị trường sách dịch phát triển hơn sách người Việt viết.

Tạo nhiều cơ hội cho người Việt viết sách

Trong cuộc tọa đàm, nhiều bạn trẻ đã rất thích thú, hào hứng với những chia sẻ của ba tác giả. Những câu chuyện, trăn trở trên con đường viết lách đều được các tác giả tâm sự thẳng thắn, chân thành. Có niềm đam mê với nghề viết lách từ năm 15 tuổi nhưng MC Quỳnh Hương đã không theo đuổi con đường đó. Khi đã trải qua nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, MC Quỳnh Hương lại muốn dùng trang viết của mình để giãi bày cảm xúc và “góp nhặt” những tản mạn thành tác phẩm An nhiên mà sống. Câu chuyện chia sẻ của MC Quỳnh Hương nhận được nhiều sự đồng cảm từ phía độc giả.

Nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy đến với nghề viết lách cũng rất tình cờ. Chị gợi mở cho nhiều độc giả trẻ, nhất là các bạn sinh viên đừng ngại ngần viết ra những gì mình nghĩ. “Viết cũng là một cách giúp mỗi người trở nên sâu sắc hơn, mạnh dạn hơn, khả năng diễn đạt trước đám đông cũng sẽ tốt hơn. Tôi thích những bài viết ngắn, chia sẻ cảm xúc, không có cấu trúc, cứ viết ra những gì mình nghĩ…”, nhà văn Nguyễn Đặng Đông Vy chia sẻ.

Những năm gần đây, nhiều công ty sách đã mạnh dạn mở nhiều chiến dịch hợp tác với các tác giả trong nước để đẩy mạnh phong trào người Việt viết sách cho người Việt. Có đơn vị còn hỗ trợ truyền thông ở mức cao nhất, đảm bảo tác quyền cũng như nhuận bút hợp lý, lập giải thưởng để thu hút bản thảo... Trong bối cảnh internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhiều tác giả đã có sự tương tác gần gũi với độc giả, đưa đứa con tinh thần của mình đến gần với công chúng hơn. Những hoạt động này đã làm nên một bức tranh sáng màu cho các tác giả người Việt.

Cũng trong tọa đàm “Người Việt viết cho người Việt”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, đại diện Công ty cổ phần Sách Alpha đã phát động cuộc thi viết dành cho các tác giả trong nước với giải thưởng cao nhất lên đến 200 triệu đồng. Cuộc thi tập trung vào dòng sách kỹ năng sống, có thể kết quả sẽ không như kỳ vọng nhưng Ban tổ chức mong muốn thông qua cuộc thi này phần nào thúc đẩy phong trào, tạo sân chơi để người Việt viết sách. Thiết nghĩ, các tác giả Việt cần có nhiều cơ hội để thể hiện tài năng, xây dựng tên tuổi của mình và không bị gánh nặng cơm áo đè nặng khi cầm bút viết cho người Việt...

Bài, ảnh: Yên Hà

Lý giải về nguyên nhân khan hiếm những cuốn sách hay do chính người Việt viết, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Tổng Giám đốc của Công ty Alpha Books - cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do người viết chưa thể “sống” bằng sách do mình viết ra.