Thứ ba, 3/3/2009, 09h03

Khảo sát giáo dục Trà Vinh: Nhiều thành tích, lắm khó khăn!

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thăm các cháu ở Trường mẫu giáo Tuổi Thơ

Ngày 23/2/2008, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục & Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Trà Vinh, tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất đồng bằng sông Cửu Long. Cùng đi với đoàn có Tiến sĩ Lê Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Tiến sĩ Mông Ky Slay, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc và các chuyên viên. Những điều trông thấy từ thực tiễn, những tiếng nói ở cơ sở, cũng nói lên những bức xúc từ thực tiễn giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thực tiễn sinh động

Đoàn tập trung khảo sát giáo dục mầm non và giáo dục dân tộc. Tại Trường tiểu học Nhị Trường, huyện Cầu Ngang đoàn kiểm tra việc dạy thử nghiệm song ngữ Tiếng Việt, Tiếng Khmer. Tại Trường tiểu học Thạnh Hoà Sơn (Cầu Ngang), Thứ trưởng và các thành viên đoàn đã dự giờ ở lớp hai và lớp mẫu giáo. Đây là xã có trên 65% người dân tộc Khmer, lớp mầm non gắn với trường tiểu học. Cư dân ở đây sống với sinh hoạt nông nghiệp, hết sức mộc mạc. Điều làm Thứ trưởng ngạc nhiên là học sinh nói tiếng Việt khá tốt. Vấn đề nào các em chưa hiểu lập tức hỏi cô giáo bằng tiếng Khmer.

Tại Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ Phường 9, thị xã Trà Vinh, trường mới lập, trên cơ sở Phường 9 mới thành lập từ một xã của huyện Châu Thành, cư dân thưa thớt, trên 54% người dân tộc Khmer. Chỉ 2 tháng thôi cây xanh đã mọc quanh trường, nhiều chòi lá mọc lên giữa sân cho các em sinh hoạt. Đất của trường do nhà chùa gần đó hiến. Các em mẫu giáo đón chào đoàn bằng điệu nhảy Lâm thôn, trên nền nhạc dân gian Khmer, trò chơi dân gian đi Cà-kheo. Thăm Trường mầm non Sao Mai, thị trấn Càng Long, trường có 12/19 giáo viên đạt chuẩn. Thứ trưởng hỏi: Đối với số GV chưa đạt chuẩn còn lại thì trường đã có phương hướng gì chưa? Cô Lê Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng trường trả lời: “Dạ, 7 cô đang theo học đại học tại chức ở Trà Vinh, cuối năm nay sẽ tốt nghiệp ạ!”

Hầu hết các nơi đoàn đi qua, cơ sở vật chất còn kém, nhưng nhà trường cố tận dụng tất cả khả năng có thể. Cô Thoa còn nêu một thực tế: giáo viên mầm non phải nhận trẻ từ 6 giờ, trả trẻ lúc 5 giờ. Tức là phải làm việc 11 giờ/ngày. Thế nhưng theo Thông tư số 71 của Bộ GD&ĐT, giáo viên chỉ dạy 8 tiết. Rất khó khăn cho giáo viên mầm non.

Tất cả vì sự nghiệp giáo dục Trà Vinh

Sau khi đi thực tế, chiều ngày 23/2/2009, Đoàn có 2 giờ làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh. Ông Triệu Văn Phấn, Giám đốc Sở báo cáo: Cuối 2007, tỉnh đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục Phổ thông cơ sở; 6/8 huyện thị có trường dân tộc nội trú (DTNT) với trên 1.000 học sinh người dân tộc Khmer. Tình trạng học sinh bỏ học đã được cải thiện. Thi tốt nghiệp phổ thông trong 2 năm qua Trà Vinh đạt hạng 19 và 21/63 tỉnh thành trong cả nước. Thi học sinh giỏi các trường chuyên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được xếp hạng 5 rồi hạng 4/13.

Tuy nhiên về cơ sở vật chất chưa đáp ứng được việc học ngày 2 buổi. Việc xây dựng trường chuẩn còn chậm. Đào tạo nhân lực khó khăn, phân luồng học sinh sau PTCS còn lúng túng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, chuyên viên tổ chức của Sở nêu thực trạng: hiện chế độ chính sách giữa giáo viên đứng lớp với cán bộ quản lý khá cách biệt. Một giáo viên giỏi, có uy tín, rút về làm cán bộ quản lý sẽ mất thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng. Điều này rất khó bố trí cán bộ.

Ông Thạch Siêng, trưởng phòng Giáo dục Dân tộc phản ánh: Hiện trường DTNT phát triển tốt. Thế nhưng qui mô, cấp học, đầu tư... còn lúng túng, đang chờ chủ trương. Trà Vinh có 98 trường dạy tiếng Khmer. Bộ ban hành chương trình tiếng Khmer 4 trình độ ABCD. Không biết phân bổ như thế nào cho đúng? Giáo viên dạy tiếng Khmer tiểu học, chỉ tiêu là 23 tiết/tháng, nhưng phân bổ ở nhiều lớp học, nhiều điểm trường rất khó khăn cho giáo viên. Chương trình dạy song ngữ thì chương trình dạy tiếng Việt phải tương ứng, chứ hiện nay áp dụng chương trình tiếng Việt chung.

Tiến sĩ Mông Ky Slay giải trình: Việc mở trường DTNT ở huyện, cấp 2 hay 3 hay cấp 2 và 3 không hạn chế, miễn sao có đủ giáo viên. Chính phủ đã có chủ trương, huyện nào có trên 10.000 người dân tộc được phép mở trường DTNT. Bộ giáo trình 4 mức, dạy lớp nào là tuỳ, miễn sao hết lớp 8 hoàn thành là được. Giáo viên chuyên dạy tiếng Khmer dạy 23 tiết là phù hợp. Theo tôi nghĩ nên bố trí giáo viên dạy kiêm thì tốt hơn. Hiện Trà Vinh có 142 giáo viên dạy tiếng Khmer, trong đó chỉ có 12 giáo viên dạy chuyên.

Bà Đào Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT: Học phí bậc học mầm non hiện nay hết sức lạc hậu, thị xã, thị trấn 15.000đ/trẻ/tháng, xã 7.000đ. Trường chỉ trích 20% mua trang thiết bị, đồ dùng dạy học, chưa kể vùng dân tộc miễn phí. Thế nhưng không có kinh phí cấp bù.

Tiến sĩ Lê Minh Hà phát biểu: “Tôi rất vui khi Trà Vinh huy động trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 97,59%, giáo viên đạt chuẩn trên 85%, số còn lại đang theo học tại chức. Phòng Mầm non có 2 người nhưng làm việc rất hiệu quả. Hiện Trà Vinh thiếu giáo viên cho đề án học 2 buổi, thiếu bao nhiêu? Nguồn đào tạo? Theo tôi nên dự nguồn từ các trường DTNT. Thông tư 71 đã gửi xuống các sở, chúng tôi cần ý kiến phản hồi chung chớ không thể giải quyết riêng lẻ”.

Chỉ đạo tâm huyết

Bà Sơn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh: Tỉnh nghèo nhưng rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Ngoài việc chi đúng theo qui định, tỉnh vận động nguồn thu Xổ số Kiến thiết chi cho cơ sở hạ tầng, các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ. Thế nhưng kế hoạc kiên cố hoá trường học từ nay đến 2010 không thể hoàn thành, còn hàng ngàn trường tre lá, còn nhiều điểm trường mượn nhà dân, nhà chùa. Tỉnh chỉ đạo mỗi ấp phải có lớp mầm non, nhưng hiện chỉ có trên 70% ấp thực hiện được. Sở nên tổng kết, có văn bản báo cáo về Bộ. Trà Vinh phấn đấu năm nay có 100 trường đạt chuẩn quốc gia nhưng chỉ mới có 32 trường đạt. Cái khó vẫn là cơ sở hạ tầng.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kết luận buổi làm việc:

1. Vấn đề trường DTNT nên có một đề án. Trường DTNT tỉnh coi như một trường chuyên.

2. Dạy tiếng dân tộc, tỉnh nên có cái nhìn riêng việc dạy cho cán bộ và học sinh. Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh nên có học phần riêng dạy tiếng dân tộc để tạo nguồn giáo viên dạy kiêm, có khả năng dạy cho cả học sinh lẫn cán bộ. Chương trình dạy song ngữ bước đầu có kết quả tốt. Vấn đề còn lại là đánh giá hiệu quả thực tế. Năm 2014 sẽ tổng kết.

3. Tôi thấy nhiều lớp mầm non còn gắn với trường tiểu học, tôi băn khoăn, không biết nên tách hay không. Tỉnh nên nghiên cứu. Thu học phí mầm non nên vận dụng ở mức 8% thu nhập bình quân đầu người ở địa phương. Từ đó đề xuất Sở Kế hoạch, Sở Tài chính. Con số 20% để lại cho nhà trường mua trang thiết bị đồ dùng dạy học nên có sự gia giảm tuỳ theo qui mô lớn nhỏ. Ở Càng Long công tác xã hội hoá giáo dục mầm non tốt. Nơi khác nghèo thì nên vận động tối thiểu lo bữa ăn chất lượng cho các cháu. Chất lượng giáo dục càng tốt bao nhiêu thì xã hội hoá mới tốt theo. Tôi thấy ngành Giáo dục Trà Vinh sử dụng Internet chưa nhiều, các phần mềm ứng dụng trong giáo dục chưa được khai thác tốt. Trà Vinh thử thống kê con em thi đậu đại học, cao đẳng, những học sinh thành đạt mà công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng chắc chắn sẽ kích thích phong trào học tập toàn dân.

Nguyễn Văn Tấn (GD&TĐ)