Thứ ba, 6/2/2018, 21h09

Khi “bác sĩ học sinh” vào cuộc...!

Đứng trước những mù mờ của học sinh và ngay cả phụ huynh về căn bệnh tăng huyết áp, cô Trần Thị Kim Nhung (giáo viên Sinh học) Trường THCS Văn Lang (Q.1) và học sinh khối 8 trong trường đã thực hiện dự án “Kiểm soát tăng huyết áp, vui sống khỏe”.

Các em học sinh chuẩn bị cho buổi tọa đàm “Kiểm soát tăng huyết áp, vui sống khỏe”

Không chỉ người già, người cao tuổi mới có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Ngay cả người trẻ, lứa tuổi học sinh cũng có thể mắc căn bệnh này nếu gặp những vấn đề về stress kéo dài, liên tục. Nguy hiểm hơn, tăng huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ do không có những triệu chứng rõ rệt ban đầu, chỉ đến khi người bệnh rơi vào trạng thái choáng váng, buồn nôn, không kiểm soát được nhận thức cơ thể… là những thông tin hữu ích mà dự án cung cấp đến học sinh và phụ huynh toàn trường.

Hững hờ trước bệnh “thời đại”

“Khi cuộc sống ngày càng phát triển, con người sẽ có những đòi hỏi cao hơn, ý thức hơn về nhu cầu của bản thân, từ ăn uống đến những ước mơ… Nhưng một chế độ ăn uống không hợp lý với quá nhiều muối, chất béo sẽ là nguyên nhân tăng huyết áp. Những mong ước sẽ tạo ra áp lực, stress, cũng là nguyên nhân tăng huyết áp. Đó là lý do lý giải tại sao căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa và được coi là căn bệnh thời đại”, cô Kim Nhung nhận định.

Tuy nhiên, theo cô Kim Nhung, học sinh và ngay cả người lớn, những bậc phụ huynh cũng chưa thật sự có những nhận thức đúng đắn về huyết áp, tăng huyết áp. “Qua khảo sát trên mạng xã hội về thực trạng hiểu biết đối với bệnh tăng huyết áp thì có tới trên 70% đối tượng được khảo sát, bao gồm mọi lứa tuổi, thành phần không có một chút hiểu biết gì về chỉ số huyết áp của bản thân và căn bệnh tăng huyết áp. Trong khi đó, căn bệnh này thật sự rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và kiểm soát sớm”, đó cũng là nguyên nhân khiến cô Nhung quyết định thực hiện dự án Kiểm soát tăng huyết áp, vui sống khỏe với mong muốn “mỗi người có ý thức hơn về sức khỏe bản thân, đơn giản từ việc theo dõi chỉ số huyết áp của bản thân”.

“Bác sĩ học sinh” kiểm soát huyết áp để sống khỏe

Trước những kiến thức chuyên môn mang tính y khoa cao, cô Kim Nhung đã liên hệ với Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, mời bác sĩ (BS) Phạm Văn Chính đến trường để tư vấn và trò chuyện với các em học sinh về căn bệnh tăng huyết áp. “Có rất nhiều nguyên nhân để mắc bệnh. Từ yếu tố di truyền, uống nhiều rượu bia, béo phì, hút thuốc lá, ăn quá mặn, quá nhiều chất béo và ngay cả stress… Tuy nhiên lại chưa có mấy người thật sự quan tâm đến căn bệnh này, người bị bệnh phải xác định là uống thuốc suốt đời”, BS Chính nhận định.

Từ những kiến thức về nguyên nhân, triệu chứng, hậu quả của căn bệnh tăng huyết áp được các chuyên gia chia sẻ, các em học sinh sẽ bắt tay vào thực hiện “chiến dịch bác sĩ học sinh”.

“Dựa vào bảng khảo sát trí thông minh đa dạng, toàn khối sẽ được chia làm 3 nhóm để thực hiện dự án. Nhóm bác sĩ tim mạch với trí thông minh về ngôn ngữ sẽ nhận diện những khái niệm về căn bệnh, bởi tăng huyết áp còn liên quan đến tim mạch. Nhóm chuyên gia dinh dưỡng với trí thông minh logic có nhiệm vụ lên thực đơn dành riêng cho người bệnh tăng huyết áp. Nhóm câu lạc bộ vui sống khỏe dựa vào trí thông minh vận động lại soạn ra một bài tập thể dục riêng biệt cho người bệnh”, cô Kim Nhung cho biết.

Không chỉ tác động tích cực đến học sinh, dự án còn làm thay đổi nhận thức tức thì từ phía phụ huynh. “Nhiều em chia sẻ về việc ba mẹ mình đã không còn ăn mặn như xưa nữa, bữa ăn có nhiều rau xanh hơn. Đặc biệt, nhận biết được rằng stress cũng là nguyên nhân khiến tăng huyết áp nên nhiều bậc phụ huynh đã không còn tạo áp lực học tập, thi cử lên con em mình. Đó cũng là một trong những mong muốn mà dự án hướng tới”, cô Nhung chia sẻ. 

Trong vai trò là bác sĩ dinh dưỡng, học sinh Sắc Nâu (lớp 8/3) nói rằng, đối với người mắc bệnh tăng huyết áp thì chế độ ăn uống hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng. “Hạn chế ăn mặn, dưới 6 gram muối/ngày, nhu cầu dinh dưỡng, năng lượng cũng phải ít hơn người bình thường với ít chất béo, mỡ động vật, chỉ khoảng dưới 1.800 calo (người bình thường là từ 2.300 calo trở lên), tăng cường ăn rau xanh, hoa quả và sử dụng dầu thực vật”.

Để có thể đưa ra những bài tập thể dục phù hợp cho người tăng huyết áp, học sinh trong câu lạc bộ vui sống khỏe đã phải đến những công viên, dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để trực tiếp lấy ý kiến của những người tập thể dục. “Rất nhiều người trong số người được hỏi mang trong người căn bệnh cao huyết áp. Một chế độ tập thể dục nhẹ nhàng với những động tác đơn giản, mỗi ngày khoảng 10-15 phút đã có thể giúp tăng cường sức khỏe”, em Nguyễn Thị Thanh Thúy (lớp 8/5) nhận định.

“Cải thiện rõ nhất là trong bữa ăn. Khi chứng kiến các em ăn tại căng tin với phần cơm nhiều rau xanh hơn ngày trước và nghe các em chia sẻ việc hạn chế thức ăn nhanh, mình đã rất mừng. Tức là dự án đã thay đổi được nhận thức của các em về vấn đề ăn uống”, cô Kim Nhung vui mừng chia sẻ.

Không giấu được sự hân hoan, thầy Nguyễn Xuân Hậu (giáo viên thể dục nhà trường, đồng tác giả dự án) chia sẻ rằng, học sinh của mình đã ý thức hơn đối với việc tập thể dục. “Các em nghiêm túc hơn hẳn, không còn tâm lý coi giờ thể dục là giờ chơi, tập cho có nữa”.

Bài, ảnh: Yến Hoa