Thứ hai, 10/4/2017, 11h36

Khi bé “khủng hoảng tuổi lên ba”

Độ tuổi từ hai lên ba, trẻ chưa ý thức được hành vi của mình. Mọi hành động nửa phản xạ bản năng, phần khác bắt đầu có ý thức muốn tự làm theo ý mình và muốn người khác chiều mình. Tu Ti lên ba tuổi rất ngộ nghĩnh, dễ thương.

Cả nhà dành tình yêu thương cho Tu Ti. Ngày nào, ba đi làm về cũng mua cho Tu Ti một món đồ chơi mới. Tu Ti chưa kịp chán món đồ chơi này đã có món khác. Ba như muốn bù đắp tuổi thơ thiếu thốn của mình để Tu Ti luôn cười toe khi ba đi làm về. Bây giờ thì Tu Ti bắt đầu ý thức được mình được cả nhà đón ý, chiều chuộng nên cu cậu dễ hờn, dễ giận, làm nư. Có những lúc Tu Ti xấu tính, tự nhiên nghiến ngấu cấu mẹ, hay giơ tay đánh bà. Ba ghét thói xấu này của Tu Ti nên bắt phạt, quyết triệt bằng được thói hung hăng của cu cậu. Có lúc Tu Ti ném đồ chơi vùng vằng, ba thẳng tay đét cho cu cậu một phát quắn đít. Thế là cu cậu khóc thét lên, mặt đổ lì, la lớn: “Tu Ti không thương ba, Tu Ti ghét ba”. Ba càng tức, Tu Ti càng lì, càng chướng. Trong nhà chỉ có dì Hai là biết cách dỗ Tu Ti. Khi thấy cháu nổi cáu, dì Hai thường lái Tu Ti sang chuyện khác. Tu Ti quên ngay việc chướng của mình. Có bạn Ly Điệu sang chơi. Chơi được một lúc thế nào Tu Ti cũng giật đồ chơi,  không cho Ly Điệu chơi tiếp. Giật qua, giật lại, có khi cả hai cùng khóc. Những lúc như vậy, người lớn dễ nổi cáu, kết thúc ai về nhà nấy và Tu Ti bị cái tét vào đít. Có dì Hai ở nhà, dì sẽ lấy một món đồ chơi khác gây chú ý cho cả hai, để cả hai cùng buông món đồ chơi đang giành nhau. Bất hòa được giải tỏa ngay.

Khi trẻ ăn vạ hãy nhẹ nhàng chuyển hướng cho trẻ sang một việc khác. Ảnh minh họa

Hóa giải ngay nhưng giây phút con bắt đầu nổi chướng cũng là làm giảm đi tính hung hăng, ích kỷ của trẻ. Ngay cả khi cáu giận chúng rất dễ làm thành to chuyện và cũng rất dễ quên. Đừng dỗ trẻ bằng sự hung dữ của người lớn, làm như vậy vô tình chúng ta lại thành gương xấu cho trẻ. Trẻ nhỏ được yêu chiều nên sinh ra ích kỷ. Chúng đòi cái gì cũng phải đòi bằng được. Nếu cứ đáp ứng cho con mọi thứ thì lần sau chắc chắn trẻ càng được thể, lấn tới. Chi bằng, lúc đó nhẹ nhàng chuyển hướng cho trẻ sang một hành vi thân thiện như kiểu: “Cái này chơi không được. Con đi tìm cho mẹ cái xe màu đỏ đi”, hay “con ếch xanh đâu rồi”… cứ nói tên những món đồ chơi con có để hướng con phải đi tìm. Kích thích trẻ bằng chính sự tin tưởng của người lớn và giao việc cho trẻ cũng làm trẻ hăng hái, vui thích như chính bạn đang chơi với chúng vậy.

Trẻ con tuổi này đang khóc, bạn biết cách pha trò, chúng có thể chuyển sang cười ngặt nghẽo rất nhanh. Có hôm Tu Ti đang khóc thét lên vì đòi mẹ mở tủ lạnh cho cu cậu nghịch đá. Mẹ nhất định không cho. Hai mẹ con cứ giằng nhau cánh cửa tủ. Ba Tu Ti thấy vậy, lấy bút vẽ quệt lên mặt ba và làm trò cho cu cậu hướng về mình, Tu Ti trố mắt nhìn và bắt đầu khoái trò mới này. Thay vì đòi mẹ lấy đá nghịch, cu cậu cầm bút vẽ, tự quẹt vào mặt mình. Mẹ nói Tu Ti nhìn vào gương xem ai đó. Ngắm mình trong gương Tu Tí khoái, cười và bôi lia lịa, quên ngay mấy cục đá. Điều cấm kỵ là đừng bao giờ bạn tỏ ra thua đủ với trẻ trong mọi sự tranh chấp, điều đó chỉ làm cho trẻ thêm lì lợm và giận dữ hơn.

HẠNH TRANG (SGGP)