Thứ tư, 28/10/2015, 10h08

Khi điện thoại di động vào lớp học

Không chỉ riêng ở trường tôi, mà hầu hết các trường học khác đều xảy ra tình trạng học sinh (HS) mang điện thoại vào lớp. Giữa thời buổi công nghệ, không ai có thể dùng biện pháp hành chính; nghiêm cấm HS đưa điện thoại đi học. Hơn nữa, trường học đang xây dựng “trường học thân thiện, HS tích cực”. Vì thế, các em HS đều sử dụng điện thoại một cách tự do, thoải mái. Ngoài chức năng “nghe, gọi” thông thường, các em HS đã “ứng dụng công nghệ” vào nhiều việc khác mà thầy cô nhiều khi không phát hiện được.

Một: Nhắn tin qua lại cho nhau trong giờ học. Tuy bề ngoài các em tỏ ra ngoan ngoãn, nghe thầy cô giảng bài; nhưng hai tay thì để nơi hộc bàn và bấm lia lịa nhắn tin, trò chuyện, “tám” cùng các bạn trong lớp hoặc ngoài lớp. Hậu quả nhãn tiền là không nắm được kiến thức, không tập trung theo dõi bài.

Có những trường hợp bị phát hiện, giáo viên bộ môn ghi sổ đầu bài để giáo viên chủ nhiệm xử lý. Nhưng giáo viên không có quyền tạm giữ điện thoại và cũng không có biện pháp nào khác để “ngăn chặn” HS tiếp tục tái diễn…

Hai: “Gà” bài cho nhau trong giờ kiểm tra. Chuyện thảy giấy nháp qua lại, “cứu bồ” thì quá xưa rồi. Có điện thoại thì phải biết sử dụng nên các em nhắn tin cho nhau bài giải hoặc những câu trả lời. Một vài em giỏi, khá thì “lan tỏa” ra những em khác… Cứ thế, cả lớp tuy bề ngoài lặng lẽ nhưng bên trong cực kỳ “sôi động”; mắt luôn dán vào màn hình, chờ lời giải, đáp số!

Ba:  Nhắn tin từ lớp này qua lớp khác để “cứu” bạn ... Lớp có tiết kiểm tra thì dặn bạn ở lớp khác (đang học bình thường) nhờ mở tài liệu, sách giáo khoa, trang mấy để trả lời câu hỏi. Bạn sẽ chụp hình các trang “cần thiết” và gửi hình qua cho bạn mình một cách “êm thấm, nhẹ nhàng mà có tính hiệu quả cao”.

Nhiều HS nhờ “công nghệ”, nhờ điện thoại mà đạt danh hiệu “HS xuất sắc” hoặc “HS giỏi”. Tất cả đều là những kết quả ảo; phản ánh không trung thực chất lượng học tập của HS.

Bản thân giáo viên khi cho bài kiểm tra thường làm việc riêng; không chịu khó quan sát, kiểm tra thái độ làm bài của HS. Vì thế, các em được dịp “trổ tài” để “giúp nhau”. “Siêu” đến mức là nhiều HS không cần nhìn vào bàn phím mà vẫn bấm chính xác từng chữ, từng câu… Vì các em đã được “luyện công” nhiều nên việc phát hiện ra các em đang “thao tác” là một điều khó.

Chiếc điện thoại không có lỗi trong việc này. Lỗi là ở người sử dụng và ở khâu quản lý HS của nhà trường. Ở đây, vô tình công nghệ hiện đại đã “tiếp tay” cho hành vi gian dối, không trung thực trong học tập của HS.

Hồng Lam Sơn

(Nhà giáo công tác tại Sóc Trăng)