Thứ tư, 28/11/2012, 09h11

Khi dự giờ chỉ là hình thức

Cần đánh giá chính xác năng lực người GV qua tiết dự giờ. Ảnh: N.Trinh

Đối với giáo viên (GV), việc được dự giờ và dự giờ đồng nghiệp là phần quan trọng của công tác chuyên môn, diễn ra thường xuyên trong năm.
Sau mỗi tiết được dự giờ, người GV lên tiết dạy sẽ được thanh tra viên, ban giám hiệu hay đồng nghiệp nhận xét những cái hay, cái tốt để bản thân mình phát huy cũng như chỉ ra cái thiếu sót mà mình cần khắc phục. Khi dự giờ đồng nghiệp, GV cũng thấy được cái hay của người dạy mà bản thân mình cần học tập và nhận ra điều chưa hay của đồng nghiệp mà mình cần tránh.
Thế nhưng, thực tế hiện nay việc dự giờ đã làm cho GV ngán ngẩm. Khi bị dự giờ thanh tra chuyên môn hay thanh tra toàn diện, GV luôn chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, tốn rất nhiều công sức cho giáo án lẫn tiền bạc để làm đồ dùng dạy học nhưng vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Thanh tra viên hay ban giám hiệu dường như có cùng quan điểm là phải tìm ra khuyết điểm nào đó trong tiết dạy để GV có sự phấn đấu trong chuyên môn. Nhiều GV sau khi dạy xong nhận được những lời nhận xét, đánh giá gây bất ngờ (nói trực tiếp, ghi phiếu đánh giá thì khác) như: “Đáng lẽ tiết dạy của thầy (cô) được đánh giá tốt nhưng vì thầy (cô) đã quên ghi tựa bài nên chỉ đạt khá”, “Học sinh ồn ào trong hoạt động trò chơi nên khó thể đánh giá tốt được” hay “Thời gian dành cho giảng bài mới ít, liệu như thế học sinh có hiểu bài không?”…
Một số thanh tra viên khi về thanh tra GV đã mượn hồ sơ thanh tra của GV đó trong các năm học trước để xem hoặc dò hỏi ban giám hiệu là thầy (cô) đó đã được nhà trường đánh giá chuyên môn thế nào và cứ dựa vào đó mà đánh giá. Việc dự giờ chỉ còn là thủ tục. Một cô giáo trẻ đã từng nói với tôi: “Bao nhiêu năm rồi, em có cố gắng mấy cũng vậy thôi, chưa bao giờ tiết dạy của em được đánh giá tốt”. Chính vì lẽ đó đã làm nản lòng một số GV, dẫn đến tâm lý “trung bình chủ nghĩa” đánh giá đạt yêu cầu là được rồi (mà hình như không có ai bị đánh giá không đạt yêu cầu), chẳng cần đầu tư cho tiết dạy làm gì…
Các trường học thường có quy định mỗi GV phải dự giờ đồng nghiệp bao nhiêu tiết trong năm học. Theo ban giám hiệu, dự giờ học hỏi đồng nghiệp là điều tốt nên số tiết quy định phải dự năm sau thường nhiều hơn năm trước hoặc dừng ở mức cũ. Việc dự giờ đồng nghiệp đã làm cho cả người dạy và người dự đều mệt mỏi, chán ngán. Cụ thể, người dạy phải mất thời gian chuẩn bị bài dạy hơn bình thường. Còn người dự thì phải sắp xếp thời gian đi dự, phải chuẩn bị bài cho học sinh làm khi mình không có ở lớp… Dần dần đã có sự thỏa hiệp ngầm, người dạy chẳng cần chuẩn bị gì nhiều, người dự cũng chẳng cần chú ý nhiều đến tiết dạy, chỉ cần dự cho đủ số tiết quy định, nhận xét đánh giá sao cho vừa lòng nhau. Vậy là mục tiêu học hỏi đồng nghiệp chỉ có trên lý thuyết…
Để thầy cô giáo thật sự thấy việc dự giờ là hết sức quan trọng cho tay nghề của mình thì thanh tra viên, ban giám hiệu cần đánh giá trên thực tế tiết dạy. Bài dạy đảm bảo đúng mục tiêu, phương pháp sử dụng phù hợp, sử dụng có hiệu quả đồ dùng dạy học là chuẩn để đánh giá; không nên tìm kiếm những sai sót nhỏ để nhận xét và kéo điểm đánh giá xuống cũng như đừng dựa vào đánh giá của các tiết dạy trước, của năm học trước làm nền cho việc xếp loại thanh tra dự giờ. Việc dự giờ học hỏi đồng nghiệp nên ít nhưng có hiệu quả nghĩa là qua tiết dạy, người dự thật sự học được những điểm hay và rút kinh nghiệm cho bản thân. Đừng để việc dự giờ chỉ còn là hình thức.
Lê Phương Trí
Để thầy cô giáo thật sự thấy việc dự giờ là hết sức quan trọng cho tay nghề của mình thì thanh tra viên, ban giám hiệu cần đánh giá trên thực tế tiết dạy.