Thứ ba, 27/9/2011, 08h09

Khi không có “tự nguyện”

Theo dõi câu chuyện về những giáo viên Trường mầm non xã Mậu Lâm và Thanh Tân, huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa), không ai không thấy xót xa. Các cô giáo mầm non đã quay lại trường, được hứa hẹn sẽ được trợ cấp thêm mỗi người 300.000 đồng/tháng.
Khoản trợ cấp ấy, cộng với thu nhập chưa đến 500.000 đồng, trong thời buổi gạo châu củi quế này chắc chắn sẽ chẳng giúp vợi bớt mấy khó khăn cho cuộc sống vốn rất vất vả của các cô. Đương nhiên còn hàng ngàn giáo viên mầm non khác cũng đang nhận lương “ngày chưa đủ bát phở” nhưng chưa dám đồng loạt bỏ việc để khiếu nại. Cũng còn vô số điểm trường mầm non dột nát, thiếu thốn đủ đường trên khắp đất nước ta chứ không riêng gì ở xã Mậu Lâm hay xã Thanh Tân.
Lý do cho sự thiếu thốn khổ sở ấy, như phân bua của các nhà quản lý, là thiếu kinh phí, trông chờ chủ yếu vào sự hỗ trợ của phụ huynh. Với địa bàn huyện miền núi, phụ huynh đương nhiên là quá khó khăn để đóng góp các khoản “tự nguyện”. Lại quay trở lại chuyện tiền trường đang nóng hổi hiện nay.
Phần lớn những ai có con đang đi học đều cảm thấy choáng ngợp trước danh sách dài (gần hai mặt tờ A4) liệt kê tất tần tật những khoản tiền phải nộp đầu năm học. Và ngược đời là ở nhiều nơi con càng nhỏ thì danh sách càng dài và tổng các khoản thu càng lớn.
Không riêng gì trường tư thục hay bán công, phụ huynh học sinh các trường công lập cũng phải “cắn răng tự nguyện đóng góp” đủ các khoản rất khó hiểu: tiền thuê bảo vệ, thuê tạp vụ, trả tiền giáo viên hợp đồng, xây dựng này, sửa chữa nọ, quỹ hội phụ huynh trường, quỹ hội phụ huynh lớp, xã hội hóa trường, xã hội hóa lớp... loạn cả lên. Thu nhiều đến nỗi nhiều người ví von trường học sống được nhờ “bầu sữa phụ huynh”.
Nếu dứt “bầu sữa” đó thì sẽ như thế nào? Có khá hơn chút ít nào so với tình hình của các trường mầm non ở huyện miền núi Như Thanh, Thanh Hóa không? Không phải biện hộ nhưng ai có tham dự phần dự tính chi tiêu nội bộ ở hội nghị xây dựng kế hoạch các trường đầu năm sẽ cảm thấy rất mệt mỏi với các khoản chi “theo quy chế” chi li, tỉ mỉ đến tận 500 đồng lẻ.
Thế nhưng mỗi năm, các trường đều phải tham gia hết phong trào này đến hoạt động nọ, không khoản nào là không cần đến tiền cũng như tổng kết hằng năm để động viên tinh thần, sở cũng gửi danh sách “khen” về để trường “thưởng”. Trường, cực chẳng đã lại phải quay sang nhờ “bầu sữa phụ huynh”.
Trước tình hình tiền trường mỗi nơi thu một kiểu, biện pháp chính mà các cơ quan quản lý đưa ra là “cấm lạm thu”. Cấm nhưng không hướng dẫn rõ nếu có những khoản phải chi khác thì nhà trường phải lấy ở đâu. Trong khi đó, các khoản cần chi vẫn cứ phải chi nên các trường lại “linh hoạt” biến thành trăm thứ lắt nhắt khác dưới danh nghĩa “thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường”. Tiền trường trở thành một mớ bòng bong đầy ám muội.
Theo LÊ THÚY HẰNG
(TTO)