Thứ năm, 23/11/2017, 22h48

Khi nghệ sĩ “phơi” đời tư trên sóng truyền hình

Việc các nghệ sĩ lên sóng truyền hình kể lể đời tư dường như đang trở thành trào lưu, là đề tài khai thác của nhiều chương trình truyền hình, thông tin giải trí.

John Huy Trần - nhân vật kể chuyện đời tư trong “Chuyện tối nay với Thành”. Ảnh: Mai Ly

Khi nghệ sĩ “dốc ruột” đời tư

Không biết từ khi nào những câu chuyện đời tư của thí sinh tham gia gameshow Việt trên truyền hình đã trở thành đề tài không thể thiếu để các nhà sản xuất khai thác. Nếu như trước đây, việc “phơi” đời tư của nghệ sĩ thường chỉ xuất hiện trên mặt báo hay mạng xã hội thì gần đây trên sóng truyền hình càng ngập tràn các chương trình trò chuyện (talk show) với nghệ sĩ, ở đó nghệ sĩ tự kể về đời mình: Lần đầu tôi kể (HTV2), Sau ánh hào quang (HTV7), Chuyện tối nay với Thành (BRT)...

Có thể khởi đầu chỉ như một sự vô tình, chưa hẳn là “chiêu trò” của các gameshow nhưng các chương trình đã đánh trúng tâm lý tò mò của khán giả nên lượng rating tăng cao. Chính vì thế, việc phơi bày đời tư trong gameshow trở thành mồi câu để kiếm lợi nhuận của các nhà sản xuất chương trình, bất chấp tính nhân văn cần có. Hơn ai hết, nghệ sĩ hiểu mặt trái của vấn đề này nhưng họ vẫn nhắm mắt làm xấu hình ảnh của chính mình và của gameshow Việt.

Cách đây không lâu, trong chương trình “Trời sinh một cặp”, con gái thứ 4 của danh ca Chế Linh là Lệ Thi xem sân khấu gameshow là nơi trải lòng, kể tội cha mình trước khán giả. Chính sự xuất hiện bất ngờ với những câu chuyện kể lại đẫm nước mắt của nhân vật Lệ Thi không khỏi khiến cho dư luận phải thắc mắc “Lệ Thi là ai?”. Có thể nói, khi đã chấp nhận “cuộc chơi” là nghệ sĩ có quyền chia sẻ cảm xúc về chuyện nghề, chuyện đời, sự vượt khó của chính mình. Thế nhưng câu chuyện đời sống riêng của nghệ sĩ có lúc khiến khán giả cảm thấy khó chịu. Cũng như nhân vật Lệ Thi, cái tên Hà My hoàn toàn xa lạ trong làng giải trí Việt cho đến khi cô lên sóng truyền hình kể lể về chuyện tình với nghệ sĩ Hoài Linh. Không biết sau khi gameshow kết thúc, giọng hát Hà My có đọng lại trong lòng khán giả hay không nhưng chắc chắn một điều rằng khi nhắc đến tên cô, khán giả sẽ nhớ những phát ngôn về các mối quan hệ trong quá khứ.

Đừng quá lạm dụng

Như một công thức chung, nhiều gameshow hiện nay sử dụng “chiêu” khai thác đời tư cá nhân thí sinh khá sâu, gần như không có giới hạn. Nhiều nghệ sĩ xem gameshow là “bàn đạp” để trở lại hào quang sân khấu sau thời gian vắng bóng nên họ sẵn sàng đem đời tư của mình làm trò “câu khách”. Những câu chuyện lấy lòng thương của khán giả của mỗi nghệ sĩ được kể theo mỗi cách khác nhau. Mỗi người cũng có một câu chuyện khác nhau. Công chúng và giới truyền thông cũng đón nhận họ lẫn câu chuyện của họ bằng những góc nhìn riêng với cả hai mặt tích cực và tiêu cực.

Không thể phủ nhận hiện nay có một số chương trình khai thác đời tư thành công và khiến khán giả xúc động. Tuy nhiên, nhiều chương trình đã và đang lạm dụng yếu tố này quá giới hạn nên dẫn đến sự phản cảm. Những câu chuyện, những nỗi đau có thể hoàn toàn là có thật. Thế nhưng thay vì để quá khứ ngủ yên như chính nó vốn có thì người trong cuộc lại đào bới lên một cách không thương tiếc. Khán giả có thể đồng cảm trong chốc lát nhưng nghệ sĩ đừng mua nước mắt khán giả bằng sự thương hại. Đó là sự tôn trọng khán giả và những người liên quan trong câu chuyện.

Không ít người từng yêu mến ca sĩ Thanh Hà cũng “sốc” khi thấy giọng ca này lên sóng trên truyền hình với câu chuyện gặp lại mẹ ruột trong “Sau ánh hào quang”. Có thể thấy, công chúng vừa thỏa mãn trí tò mò, vừa giải đáp được những đồn đoán bấy lâu xung quanh đời tư của người trong cuộc. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận mà nghệ sĩ đang phải đối diện sau khi tự lật giở cuộc đời mình chính là sự tổn thương sâu sắc tưởng chừng đã ngủ yên trong quá khứ. Khi chương trình kết thúc, câu chuyện của ca sĩ Thanh Hà và mẹ đã tạo hiệu ứng rất mạnh nhưng chính ca sĩ Thanh Hà đã phải từ chối tất cả thông tin sau đó về mối quan hệ này. Có lẽ, trước khi tham gia chương trình, nữ danh ca này cũng chưa lường trước được sự việc. “Sau ánh hào quang” là chương trình kết hợp kịch nghệ và âm nhạc có thời lượng khá dài hơi (75 phút/tập) với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Chương trình làm khán giả thỏa lòng sự tò mò nhưng chính những người tham gia có thể lại bị tổn thương về danh dự khi quá khứ bị “mổ xẻ” một cách quá đà.

Không thể phủ nhận hiện nay có một số chương trình khai thác đời tư thành công và khiến khán giả xúc động. Tuy nhiên, nhiều chương trình đã và đang lạm dụng yếu tố này quá giới hạn nên dẫn đến sự phản cảm. Những câu chuyện, những nỗi đau có thể hoàn toàn là có thật. Thế nhưng thay vì để quá khứ ngủ yên như chính nó vốn có thì người trong cuộc lại đào bới lên một cách không thương tiếc. Khán giả có thể đồng cảm trong chốc lát nhưng nghệ sĩ đừng mua nước mắt khán giả bằng sự thương hại. Đó là sự tôn trọng khán giả và những người liên quan trong câu chuyện.

Yên Hà