Thứ ba, 13/1/2009, 23h01

Khi người thầy cúi thấp mình

Lễ tuyên dương học sinh xuất sắc năm 2008 của trung tâm K ở TPHCM giản dị, nhưng không kém trang trọng. Phát phần thưởng cho những học sinh bé nhỏ, những người thầy ngồi xuống bên trò để nhìn chúng ngang tầm mắt, rồi mới trao quà là những tấm giấy khen và tặng vật.
Một học sinh nhỏ được trao quà trong lễ tuyên dương. (Ảnh: SGTT)
Trung tâm K chỉ là một trường dạy - học toán cho học sinh do một người Nhật làm chủ, và những món quà dành tặng học sinh trong buổi lễ tuyên dương của trung tâm này chỉ mang tính biểu tượng chứ không có giá trị lớn về mặt vật chất, nhưng cách thức tổ chức buổi lễ ở đây đã khiến không ít phụ huynh học sinh xúc động.

“Chúng tôi nhận thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận giáo dục và rất cảm động khi các thầy cô cúi xuống thật thấp để trao giải thưởng cho các học sinh nhỏ. Chưa bao giờ chúng tôi thấy học sinh được trân trọng như ở đây”, nhiều phụ huynh học sinh dự lễ đã nhận xét như thế.

55 năm trước, thầy giáo người Nhật Toru Kumon đã sáng tạo ra phương pháp giúp đứa con kém cỏi của mình học môn toán. Thành công trong việc dạy con của ông đã trở thành một phương pháp mang tên ông mà trường K hiện đang áp dụng để dạy cho học sinh Việt Nam. Và thành công của Toru Kumon hẳn ít nhiều có thể được coi là biểu tượng thành công của nước Nhật trong hơn nửa thế kỷ qua.

Vào thời đó, có lẽ thầy Toru chưa biết gì về cái gọi là lý thuyết “Giáo dục hướng đối tượng”, nhưng có thể ông đã hiểu rằng năng lực của mỗi học sinh là khác nhau, nên đã thiết kế chương trình học tuỳ sức học sinh: điểm khởi đầu, số bài tập hàng ngày, mục tiêu học tập, số lần luyện tập, và tiến độ học tập đều được cân nhắc và xác định riêng cho từng học sinh khác nhau.

Không rõ hành động cúi xuống, hay thấp mình xuống khi trao quà có phải là nét văn hoá riêng của người Nhật hay không. Nhưng từ cách ứng xử của thầy cô giáo ở trung tâm K nhìn lại thì thấy lối giáo dục cổ vũ bằng cách khen thưởng thành tích quen thuộc lâu nay ở ta là quá lỗi thời.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một trong những điểm yếu kém nhất của hệ thống giáo dục Việt Nam là đánh giá các loại năng lực của người học, trong khi xu hướng quốc tế hiện nay xem mục đích chính của việc đánh giá là nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Để đánh giá học sinh, giáo viên ở ta nay hầu như vẫn chỉ dùng một phương pháp: ra đề kiểm tra. Đã vậy, cách ra đề kiểm tra đôi khi còn phiến diện, đơn điệu...

Ngày càng hiếm thấy một buổi lễ tuyên dương nào mà ở đó học sinh hiểu rằng mình được tuyên dương không phải vì thành tích mà bởi vì đã nỗ lực vượt qua chính bản thân mình.

Khi người thầy cúi xuống để trao phần thưởng, khi đó người thầy chẳng hề thấp đi, họ cúi xuống để học sinh nhận ra rằng các em đã lớn hơn lên!

Theo Như Thuần (Sài Gòn Tiếp Thị)