Thứ bảy, 2/1/2016, 22h17

Khi nhà có rể Tây

Lấy chồng Tây không còn là chuyện xa lạ với nhiều cô gái Việt Nam. Đôi khi, sự khác biệt về văn hóa dẫn đến nhiều tình huống bi hài khi nhà có rể Tây.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: I.T

Dở khóc, dở cười

Ngày dẫn người yêu là một chàng trai ngoại quốc về ra mắt gia đình, chị Kim Mai không căng thẳng nhiều vì ba mẹ của chị vốn rất hiện đại. Dẫu có bị sốc một chút nhưng họ nhanh chóng làm quen được vì chỉ cần con rể tương lai thương con gái thật lòng và con gái cũng cảm thấy hạnh phúc với quyết định của mình. Kết hôn được 5 năm, chị Kim Mai đã cùng chồng về Việt Nam ăn Tết 4 lần. Mỗi lần về ăn Tết ở Việt Nam là mỗi lần vợ chồng chị háo hức, đầy niềm vui nhưng cũng không tránh khỏi những câu chuyện “dở khóc, dở cười”. Năm mới đầu tiên làm rể ở Việt Nam, chị Mai dẫn chồng đến dùng bữa cơm thân mật ở nhà một người họ hàng. Trong khi ăn, chồng chị thấy khó chịu trong lòng dù anh không tỏ thái độ ra ngoài khi mọi người trong bàn ăn liên tục gắp thức ăn vào chén của anh. Về nhà, anh thủ thỉ với vợ thì mới biết đó là vì người ta quý mến anh nên mới gắp thức ăn vào chén của anh. Nghe vợ giải thích, anh nhanh chóng nhận ra vấn đề không như mình nghĩ. Sự bất đồng ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa đã dẫn đến những hiểu lầm nhưng cái Tết đầu tiên ở Việt Nam trôi qua nhanh chóng, mang đến cho anh nhiều cảm xúc và những điều mới mẻ mà anh chưa từng được biết đến trước đó. Tết năm nay, anh chị đã hồ hởi đặt vé máy bay từ mấy tháng trước để được về tận hưởng không khí gia đình trong những ngày xuân ấm áp.

Không thuận buồm xuôi gió như chị Kim Mai ngay từ những ngày đầu nhưng chị Hoàng Oanh đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi chồng mình là một người gốc Anh đã có thể hòa nhập với gia đình chị sau rất nhiều những rào cản, khó khăn. Khi kết hôn, gia đình chị Hoàng Oanh coi kỹ ngày giờ để tổ chức lễ cưới trong khi chồng của chị lại không quan trọng chuyện ngày xấu, ngày đẹp. Vậy là dẫn đến những căng thẳng giữa hai bên nhưng rồi cũng nhanh chóng được hóa giải. “Mình thì sao cũng được nhưng ba mẹ cứ nhất định phải xem thầy bói cho được ngày giờ tốt nhất. Đổi tới đổi lui mấy lần làm ảnh hưởng công việc của cả hai nên có lúc tụi mình ngỡ như hoãn lễ cưới. May mà ông xã nhận ra “nhập gia tùy tục” nên mọi chuyện cũng êm xuôi”, chị Hoàng Oanh chia sẻ.

Hòa hợp những khác biệt bằng tình yêu

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Thu Ba thì: “Dù lấy Tây hay lấy ta thì để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc cần xuất phát từ một tình yêu chân chính, không vụ lợi của hai bên. Những khó khăn, rào cản về sự khác biệt văn hóa, phong tục là điều không thể tránh khỏi nhưng chỉ cần cùng nhau cố gắng hòa hợp, hy sinh cho nhau thì những khó khăn, khác biệt đó sẽ dần được xóa bỏ”.

Thực tế có nhiều cô gái Việt lấy chồng Tây bằng tình yêu, sự chia sẻ nhưng họ vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn trong cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, với tình yêu chân chính, biết cảm thông cho nhau, họ đã vượt qua mọi rào cản, cân bằng hài hòa những khác biệt để nắm giữ hạnh phúc, không phân biệt Tây hay ta. Chồng chị Thanh Nga là anh Rezaul Karim đã làm không ít người ngạc nhiên bởi sự thân thiện của anh. Cho đến giờ, mỗi khi về Việt Nam ăn Tết, anh đã quen với việc đi tảo mộ trong tiết Thanh minh, biết gần hết những phong tục ở quê vợ... Lần đầu tiên khi được vợ chỉ cách cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên, anh loay hoay chưa biết làm sao nên cứ nhìn vợ làm rồi làm theo. Anh hồn nhiên kể với vợ: “Lúc nãy anh khấn bằng tiếng Anh, hy vọng là có vị thần phiên dịch”. Chị Nga nghe xong không nhịn được cười vì sự thật thà, vui tính của chồng. Đi từ bỡ ngỡ này đến bỡ ngỡ kia khiến anh lúng túng. Khi được chị Nga giới thiệu người này là chú, người kia là bác, người nọ là thím... anh đã rất khó hiểu với cách xưng hô mà người Việt thường sử dụng vì nó khá rắc rối. Tuy nhiên, anh cố gắng từng ngày để có thể hòa nhập bởi anh nhận ra đây cũng là một trong những cách giúp anh hiểu thêm về văn hóa, truyền thống gia đình Việt.

“Dù lấy Tây hay lấy ta thì để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc cần xuất phát từ một tình yêu chân chính, không vụ lợi của hai bên. Những khó khăn, rào cản về sự khác biệt văn hóa, phong tục là điều không thể tránh khỏi nhưng chỉ cần cùng nhau cố gắng hòa hợp, hy sinh cho nhau thì những khó khăn, khác biệt đó sẽ dần được xóa bỏ”, chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Thu Ba chia sẻ.

Yên Hà