Thứ năm, 29/9/2016, 21h11

Khi trẻ nuôi động vật ảo

Hiện nay, trên các thiết bị di động thông minh (Smartphone) có rất nhiều ứng dụng (App) trò chơi, trong đó có rất nhiều trò chơi bổ ích và cũng không thiếu trò chơi gây nghiện và làm xao nhãng quá trình học tập của học sinh.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin mạo muội nêu lên thực trạng một số ít học sinh hiện nay nuôi động vật trên điện thoại thông minh. Một ứng dụng mà học sinh trong lứa tuổi thiếu niên say mê, đặc biệt là những em lớn lên ở các thành phố. Đó là ứng dụng My Talking Tom trên Google Play được trên 100 triệu lượt tải xuống. Một học sinh hàng xóm nhà tôi tải ứng dụng My Talking Tom trên kho ứng dụng về. Suốt ngày em chỉ quan tâm Mèo trên App khi đói biết kêu, khi khát nước là kêu để uống. Cứ đến giờ là cậu chủ cho ăn (luôn đúng giờ), tối đến thì đi ngủ và phải đắp mền…

Hiện nay nhiều trẻ ở thành phố không có điều kiện tiếp xúc với các loài vật, không có cơ hội “chuyện trò” với các con vật thân thương. Bởi ở chung cư sao có thể nuôi chó, nuôi mèo, nuôi chim… (nếu được sẽ rất hạn chế và gây phiền toái cho nhiều người). Có lẽ đây là khiếm khuyết lớn mà trẻ đang thiếu khi phụ huynh không thể cho con cái mình tiếp xúc và gần gũi với các loài vật. Khiến cho mối quan hệ giữa người và vật trở nên xa cách. Vì vậy ứng dụng nuôi mèo trên điện thoại thông minh ra đời như một hình thức đáp ứng nhu cầu của trẻ.

Nói đến đây tôi nhớ đến một thông tin trên báo Huffington Post cuối năm 2015 (*) rằng: Trường Tiểu học Park Slope ở New York (Mỹ) tổ chức cho học sinh đọc sách cho các “thính giả” là những chú chó con dễ thương, không gian đọc của các em không phải là các lớp học mà là nhà sách ngay bên cạnh trường. Điều này giúp các em hứng thú với việc đọc sách và gần gũi với loài vật hơn.

Có lẽ đây là một nhu cầu và một hướng đi mà các bậc phụ huynh nên quan tâm. Bởi trẻ không được nuôi thú cưng ở nhà nhưng có thể tham gia nuôi chúng ở một trung tâm nào đó. Tránh việc trẻ chỉ suốt ngày lo sinh hoạt cho các con vật ảo trên các thiết bị điện tử, điều đó làm cho các em xa rời cuộc sống thực vừa gây hại cho mắt.

Nguyễn Minh Thanh

(*) http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20151213/doc-sach-cho-cho-nghe/1019836.html