Thứ hai, 30/11/2015, 10h15

Khó nhận biết thịt có chất cấm

Người tiêu dùng đang phải đối diện với nỗi lo thịt heo chứa nhiều chất cấm

Clenbuterol, Salbutamol... là chất tăng trọng, tạo nạc thuộc danh mục chất cấm trong chăn nuôi vì nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng. Nhưng vì những lợi nhuận trước mắt, các đơn vị sản xuất đến chăn nuôi vẫn vô tư sử dụng một cách vô tội vạ mà lờ đi những tác hại tiềm ẩn.

Kiểm đâu sai đó

Ngày 26-11, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) phối hợp với Đội 2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP.HCM tiếp tục làm việc với đại diện Công ty TNHH Tino - chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi (đường số 7 Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân) về một số sai phạm mà công ty cố tình vi phạm. Qua làm việc, lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 200 tấn thức ăn gia súc được sản xuất từ các chất không nằm trong danh mục cho phép dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi như: Clenbuterol, Salbutamol... đáp ứng cho từng giai đoạn sinh trưởng của heo, cùng 16 tấn nguyên liệu xuất xứ Trung Quốc đã quá hạn sử dụng. Chưa kể một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi như Premix 4002, Premix 4003, Premix 4004… cũng do công ty này sản xuất đã, đang lưu hành trên thị trường khi chưa được Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cấp giấy phép cho lưu hành sản phẩm, mặc dù công ty đã nộp đơn xin cấp phép từ ngày 5-1.

Ông Trần Hùng - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia - cho rằng Ban chỉ đạo 389 sẽ chỉ đạo lực lượng liên ngành làm rõ những sai phạm của Công ty Tino. Hiện tang vật đang bị cơ quan công an và quản lý thị trường niêm phong hành chính, qua đó đối chiếu số lượng sản xuất, thành phẩm bán ra thị trường đồng thời lấy mẫu nguyên liệu giám định để xử lý rốt ráo. Đây là những hộ gia đình chăn nuôi có thâm niên, hiểu biết về chất cấm. Theo Chi cục Thú y TP.HCM, từ đầu năm đến nay, qua 2 đợt kiểm tra tại 14 cơ sở giết mổ với 516 mẫu nước tiểu ở 120 lô heo đưa về lò thì có 23/120 lô; 95/516 mẫu dương tính với các chất cấm. Mặt khác, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện chất cấm trong thịt heo một cách bình thường, nguồn thịt này không chỉ bày bán ở các hệ thống bán lẻ mà còn có cả ở siêu thị...

Sẽ xử lý ở khung nặng nhất

Theo nghiên cứu từ ngành y tế, Salbutamol, Clenbuterol là các chất thuộc nhóm Beta-agonist (nhóm các chất tổng hợp), giúp tăng trọng, tạo nạc trên heo, bị cấm sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2002. Salbutamol được dùng điều trị các bệnh suy tim, hen suyễn, bệnh phổi mãn tính. Trong khi đó, Clenbuterol dùng điều trị co thắt phế quản ở động vật... Thời gian bài thải các chất này rất chậm, trên dưới 20 ngày. Người tiêu dùng khi ăn thực phẩm còn tồn dư các chất này có nguy cơ chóng mặt, nhức đầu, căng thẳng, nhịp tim nhanh, thậm chí tử vong nếu nồng độ tồn dư các chất còn cao hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh ung thư.

Điều đáng lo ngại là bằng mắt thường người tiêu dùng khó có thể nhận biết, phân biệt để lựa chọn thực phẩm không có chất cấm. Trong khi đó, bữa ăn hàng ngày của các gia đình đều có món thịt. Ai sẽ là người đứng ra đảm bảo, chịu trách nhiệm về thịt bán trên thị trường không sử dụng chất cấm. Khi được hỏi, nhiều người nội trợ đều cho rằng: Rất khó để nhận biết đâu là thịt sạch, thịt “bẩn”. Qua thông tin báo đài, chúng tôi chỉ biết rằng, thịt nhiều nạc mà bóng, màu đỏ au một cách bất thường hoặc các thớ thịt nạc rời rạc, thiếu độ dính... thì nguy cơ dùng chất cấm cao. Nhưng thú thật, bằng mắt thường thì vẫn không thể nhận biết được chính xác.

Tại điều 36 quy định xử phạt vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn gia súc (thuộc Nghị định 119 của Chính phủ), mức xử phạt đối với đơn vị sản xuất, kinh doanh chất cấm và đơn vị chăn nuôi sử dụng chất cấm từ 5 đến 100 triệu đồng, kèm theo nhiều hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả như đình chỉ hoạt động, tiêu hủy chất cấm, tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi không còn tồn dư… Song trước thực trạng đang diễn ra đã cho thấy, những biện pháp cấm, xử phạt trên chưa đủ mạnh để răn đe các đơn vị sản xuất, chăn nuôi vi phạm.

Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN &PTNT) - cho biết các bộ ngành, cơ quan chức năng vẫn đang tập trung phối hợp kiểm tra, đánh giá, xử lý nếu phát hiện những đơn vị vi phạm. Đồng thời rút kinh nghiệm để có những biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn và sẽ triển khai sâu rộng toàn quốc. Tuy nhiên, “Để công tác phát hiện, ngăn chặn xử lý hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành địa phương và thực hiện phải quyết liệt, căn cơ hơn. Những đơn vị tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý ở khung nặng nhất của Nghị định 119, thậm chí xử lý hình sự. Bản thân người tiêu dùng nếu phát hiện, nghi ngờ về chất cấm được sử dụng cũng nên cung cấp thông tin đến cơ quan chức năng qua số điện thoại nóng hoặc website để công tác ngăn chặn hiệu quả hơn”, ông Vân nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Chuyên gia ngành y tế cảnh báo: “Người tiêu dùng khi ăn thực phẩm còn tồn dư các chất này có nguy cơ chóng mặt, nhức đầu, căng thẳng, nhịp tim nhanh, thậm chí tử vong nếu nồng độ tồn dư các chất còn cao hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh ung thư”.