Thứ sáu, 30/10/2015, 10h27

Khỏa thân trắng của Nguyễn Thu Phương

Nhiều năm nay, khán giả yêu kịch đã biết đến và hâm mộ Nguyễn Thu Phương qua những vở diễn nổi tiếng trên các sân khấu sáng đèn của TP.HCM và Hà Nội trong vai trò biên kịch, và chị cũng là tác giả của nhiều kịch bản phim truyền hình, đồng thời là một nhà sản xuất, là đạo diễn, và một nhà văn. Như chị vẫn hay tự trào là một “chung cư”. Trong mười ba đầu sách đã xuất bản, chị có hai tác phẩm Lối nhỏ vào đờiCây lẻ bạn (NXB Sân khấu) là 2 tập kịch bản sân khấu. Hơn nữa, đúng như chị từng chia sẻ trong Lời ngỏ của tập truyện Khỏa thân trắng, do có chín năm gián đoạn văn chương với nhiều lý do nên Nguyễn Thu Phương - nhà văn có phần “ngưng lặng” hơn so với Nguyễn Thu Phương của các công việc khác.

Thế nhưng, với tập truyện Khỏa thân trắng, cây bút nữ Nguyễn Thu Phương đã làm một cuộc “phục sinh” về chữ nghĩa ở thể loại văn xuôi vốn cũng là sở trường của chị. Nếu ai đó cứ nghĩ truyện của chị cũng mạnh mẽ, quyết liệt, nhiều xung đột và cao trào khốc liệt như trong các kịch bản sân khấu thì rõ ràng đã có sự nhầm lẫn. Đọc 11 truyện ngắn trong Khỏa thân trắng, người ta bắt gặp một nhà văn với bút pháp hoàn toàn khác, tưởng chừng như hai người khác nhau. Với cách kể giản dị, gần gũi, nhẹ nhàng quen thuộc như câu chuyện đang xảy ra đâu đó trong cuộc đời, quanh ta, rất gần ta hay có thể là chính ta cũng đã từng tham dự vào đó, từng tình huống dẫn dắt người đọc trôi theo dòng cảm xúc. Có lẽ để bù đắp lại những khuôn khổ theo quy chuẩn trong việc sáng tác những kịch bản cho sàn diễn sân khấu, nên với văn chương, Nguyễn Thu Phương thoải mái tung tẩy hòa mình vào thiên nhiên, hoặc đó cũng chính là kết quả từ rất nhiều những chuyến đi của chị trên khắp mọi miền đất nước… Đa phần đề tài của các truyện ngắn trong Khỏa thân trắng đều hướng về không gian mở (Nắng trên đồi xanh); một vùng biển với đảo Ông Ni bí ẩn ở đâu đó tràn ngập những khóm hoa đành đành (Không dấu vết); một cảnh rừng đại ngàn đẹp hoang sơ như tranh vẽ (Khỏa thân trắng), đậm đặc nhất chính là khung cảnh núi non kỳ vĩ, mơ màng, biến ảo của miền núi cao phía Bắc, với những câu chuyện nửa hư nửa thực (Đêm tình Khau Vai); Xe đỏ, sông xanh, đêm trắng và bùa yêu (Người đội mũ đỏ…). Cách gọi nhân vật trong Khỏa thân trắng hầu như chỉ có nàng và chàng, nên không mặc định cụ thể về một con người mang danh tánh, hay có lúc là tên viết tắt (Đêm tình Khau Vai), vẻ như một sự cố ý rất duyên dáng và ý nhị mà nhà văn muốn dành cho độc giả - cái “quyền” được thay vai hay là nhập vai, trở thành những nàng và chàng trong bất kỳ câu chuyện nào. Khám phá những tầng ngữ nghĩa sâu hơn, ẩn chứa đằng sau con chữ, sau những tình tiết, những bối cảnh lung linh hay trần trụi, chân thực hay hư ảo, có thể nhận ra những thông điệp tinh tế và gợi mở về vẻ đẹp hoàn thiện của tinh thần, của tâm hồn, hay như sự xác nhận lại những giá trị chân thiện mỹ tùy theo cảm quan và suy xét trong mỗi con người (Đường cong, Phiêu linh trắng). Cũng qua lăng kính của Nguyễn Thu Phương, chân dung những người phụ nữ khác nhau hiện lên với từng dáng nét rất riêng, rất đặc biệt và cá tính, đầy thú vị, không thể trộn lẫn, sống và yêu tha thiết đắm say hay trôi dạt bươn chải cùng số phận (Người đội mũ đỏ)... 

11 truyện ngắn trong Khỏa thân trắng là 11 câu chuyện tình yêu lãng mạn được thi vị hóa bằng những ngôn từ đẹp, trau chuốt và đầy đặn. Rải rác những “phân đoạn” đậm chất sex nhưng không dung tục tầm thường mà rất giàu chất thơ, đậm màu sắc điện ảnh trong không gian hiện thực huyền ảo. Đó chính là một dòng sáng tác “nối tiếp” cùng phong cách lãng mạn huyễn hoặc với Phiêu linh trắng của chị từ năm 2006. Sách do NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Books ấn hành tháng 10-2015.

Ngọc Quang