Thứ bảy, 11/11/2017, 22h14

“Khoác áo hoa” cho nắp cống, tường bẩn

Bằng tình yêu với những gam màu, thầy và trò đã tận dụng những khoảng trống trong trường, lớp để… hoạt động. Câu lạc bộ (CLB) mỹ thuật của Trường THCS Nguyễn Huệ (Q.4, TP.HCM) là nơi gieo mầm và phát triển những ước mơ tuổi xanh.

Các thành viên trong CLB mặc áo dài bằng giấy

Những bức tường văn minh, chiếc áo dài giấy xinh đẹp… không chỉ làm nên thương hiệu của một CLB mà còn giúp các em học sinh xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, tự tin với khả năng của mình.

Bức tường, nắp cống… văn minh

Đây là một trong những dự án của CLB tạo được tiếng vang, vượt ra ngoài phạm vi nhà trường. Với hình thức phủ tranh những bức tường “kém văn minh” trên địa bàn và bức tường quanh trường nhằm kêu gọi học sinh và người dân không xả rác bừa bãi, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Từ bức tường - đoạn đường Hoàng Diệu rẽ ra Nguyễn Văn Linh, Q.4 - luôn trong tình trạng nhếch nhác, hôi hám do thường xuyên bị người dân thiếu ý thức tiểu tiện và xả rác; đến bức tường quanh trường bị những người bán hàng rong tận dụng làm nơi tập kết, rác xả đầy… đều được các thành viên trong CLB mỹ thuật “hô biến” đầy ảo diệu bằng những bức tranh tươi đẹp, sinh động. “Các em trong CLB rất hào hứng tham gia hoạt động này. Những nét vẽ dù ngô nghê, tái hiện về khung cảnh của một môi trường sống tươi đẹp như động vật vui đùa, học sinh nhặt rác… đã tạo được ấn tượng mạnh với người dân sống quanh đó. Nhờ đó, việc xả rác, tiểu tiện bừa bãi đã không còn tái diễn nữa”, thầy La Thanh Hưng (Chủ nhiệm CLB mỹ thuật Trường THCS Nguyễn Huệ) chia sẻ.

Thầy Hưng đang hướng dẫn học sinh trong CLB vẽ tranh trên nắp cống

Không chỉ dừng lại việc phủ tranh những bức tường ô nhiễm, ngay cả những nắp cống cũng được CLB “cải tạo” thành những tác phẩm nghệ thuật. “Bên cạnh việc làm tăng tính thẩm mỹ của đô thị thì điều quan trọng nhất là giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ và giữ gìn môi trường sống, bắt đầu từ những việc đơn giản nhất”, thầy Hưng nhấn mạnh.

Thầy Hưng cho biết thêm: “Hàng loạt nắp cống trên đường Bến Vân Đồn trước đó bị rác phủ đầy, mưa xuống là tắc, ngập toàn rác rưởi nay được CLB khoác tấm áo hoạt tiết với những hình ảnh ý nghĩa như em bé nhặt rác, bông hoa hướng dương… Sau vài tháng thực hiện, người dân đã có ý thức hơn rất nhiều”.

Kinh ngạc… áo dài giấy

Trong cuộc thi Lớn lên cùng sách do Phòng GD-ĐT Q.4 tổ chức vào tháng 10 vừa qua, cả hội trường đã phải ồ lên kinh ngạc khi 10 chiếc áo dài… bằng giấy được các em học sinh trong CLB trình diễn. “Hết sức chuyên nghiệp và tinh tế, không thể nghĩ các em học sinh lại có thể tự làm được những chiếc áo dài bằng giấy mà y như vải như vậy”, một cán bộ Phòng GD-ĐT Q.4 nhận xét.

Một bức tường được vẽ tranh rất đẹp
Thầy La Thanh Hưng cho biết, không chỉ ở môn văn, rất nhiều môn học khác như nhạc, toán, lý, hóa cũng được các thành viên trong CLB “vẽ hình minh họa”, cụ thể hóa những tiết học khô khan.

Thầy La Thanh Hưng chia sẻ: “Mất đúng nửa tháng thầy và trò cùng làm. Tận dụng mọi ngóc ngách trong sân trường, sau mỗi buổi chiều các em tan học và những ngày thứ 7. Tôi chỉ cắt trước một mẫu áo, các em nhìn vào đó cắt theo. Họa tiết chim phượng, rồng, hoa… được tôi phác thảo bằng những nét chấm trước. Các em sẽ theo đó để vẽ…”. Trước đó, mất vài ngày các thành viên trong CLB cùng nhau bàn tính xem phải dùng chất liệu giấy gì để tà áo dài dai nhất, ít tốn kém nhất mà vẫn dịu dàng nhất. “Suy đi tính lại, chất liệu giấy lụa là phù hợp nhất, vừa đa dạng về màu sắc để có thể vẽ họa tiết mà chi phí cũng không quá nhiều”, thầy Hưng nhớ lại. Chưa từng học qua những lớp cắt may và viết thư pháp, chỉ hoàn toàn tự mày mò, những chiếc áo dài được vẽ họa tiết thư pháp cứ thế được mọi người hoàn thiện. “Góc sân trường những ngày đó la liệt giấy, màu. Khi các em mặc những tác phẩm đó lên, chính bản thân tôi còn không nghĩ nó được làm bằng giấy”, thầy Hưng nói.

Theo thầy Hưng, CLB hoạt động vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, là sân chơi thường xuyên của khoảng 20 học sinh đam mê hội họa trong trường. Tại đây, các em được vẽ thỏa thích theo ý mình, từ những mẫu áo các em tình cờ gặp trên đường, những họa tiết các em thấy trên bình gốm... Đặc biệt, những tác phẩm văn học mà các em tâm đắc, muốn tái hiện lại khung cảnh, nhân vật thì CLB cũng hỗ trợ. Từ Tấm Cám, Trầu Cau hay Chí Phèo… các em đều thử sức qua. Điều này sẽ giúp làm sống dậy những tác phẩm văn học, khiến việc cảm thụ tác phẩm của các em sâu sắc và sinh động hơn.

Yến Hoa