Thứ tư, 23/10/2013, 14h10

Khởi động chương trình “Học nghề - bước kế tiếp cho tương lai”

Thành công không phải từ bằng cấp

Học viên TTGDTX quận 7 tìm hiểu thông tin về Trường TC nghề Du lịch và khách sạn Khôi Việt
Không chỉ được chuyên viên tư vấn chọn nghề nào phù hợp với bản thân, nhu cầu thị trường lao động trong thời gian tới mà hơn 400 học viên (HV) TTGDTX quận 7 còn có dịp trải nghiệm với những ngành nghề yêu thích như hướng dẫn viên du lịch, bartender, mỹ thuật đa phương tiện, sửa chữa máy tính…
Đó là những hoạt động trong buổi khai mạc chương trình hướng nghiệp “Học nghề - bước kế tiếp cho tương lai” năm 2013-2014 do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT thành phố tổ chức.
Học nghề - cơ hội việc làm vẫn cao
Sau THCS và THPT, học sinh (HS) có nhiều con đường lựa chọn để bước vào đời nhưng nếu chọn không kỹ, không đúng với năng lực và sở thích của mình sẽ khó thành công. Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tư vấn tuyển sinh Bộ GD-ĐT cho biết: “Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1 triệu HS tốt nghiệp THPT, trong khi đó chỉ tiêu vào ĐH chỉ có khoảng 3.000 em (chiếm khoảng 30%), như vậy sẽ còn khoảng 70% sẽ học ở các bậc như CĐ chuyên nghiệp, TCCN, CĐ nghề, TC nghề, sơ cấp nghề… Việc lựa chọn nghề nào phù hợp để phát triển vững chắc là rất quan trọng đối với các em chứ không nhất thiết phải vào bằng được ĐH, CĐ. Hiện có đến 100% HV học nghề làm đúng ngành nghề khi tốt nghiệp. Khi đi làm, sau một thời gian các em cố gắng sẽ được phân công ở vị trí cao hơn hoặc học liên thông ở những bậc cao hơn để nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng”.
Đứng ở góc độ thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM chia sẻ thêm: “Năm 2013 kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đang phục hồi, các doanh nghiệp đang tái cấu trúc và thu hút nhiều nguồn lao động. Cơ cấu ngành nghề Việt Nam hiện nay yêu cầu lao động là 12% trình độ ĐH, 13% CĐ, 35% TC, còn lại là TC kỹ thuật và sơ cấp nghề. Sau năm 2015, thị trường lao động Việt Nam sẽ hòa nhập nhiều hơn với thị trường lao động thế giới, vì vậy đòi hỏi lao động phải có tay nghề cao, giỏi về ngoại ngữ và kỹ năng. Bằng cấp chỉ là một điều kiện để các em hành nghề nhưng nếu không có đam mê, chịu khó đeo đuổi với nghề thì bằng cấp càng cao, thất bại lại càng nhiều”.
Việt Nam đang ở thời kỳ mở cửa, thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan, các nhà hàng khách sạn theo đó cũng ra đời nhiều. Bà Nguyễn Thị Hồng Huế, Hiệu trưởng Trường TC Nghề Du lịch và khách sạn Khôi Việt, chia sẻ: “Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm cả nước cần hơn 2 triệu lao động có tay nghề, trong đó du lịch cần hơn 40 ngàn lao động. Tuy nhiên, thực tế là để có tay nghề mà doanh nghiệp nhận hay không còn là một vấn đề lớn. Du lịch hiện có thể học ở các trường TC nghề với những khóa đào tạo ngắn hạn, tuy nhiên học nghề không hề đơn giản, ngoài những kiến thức mà nhà trường cung cấp, HV phải thực sự đam mê, cống hiến thì mới thành công”.
Cần chọn nghề phù hợp với bản thân
Tại buổi khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM cho biết: “Chương trình nhằm hướng nghiệp cho HS học nghề theo chủ trương của Đảng và Nhà nước từ nay đến năm 2020 là phấn đấu có ít nhất 30% sau THCS học nghề, trong đó 50% có trình độ từ TC trở lên. Ngoài việc cung cấp cho HS những thông tin về học nghề, nhu cầu thị trường lao động… thì chương trình còn có những hoạt động để các em trải nghiệm thực tế ngay tại hội trường. Các em sẽ được các giảng viên, chuyên gia hướng dẫn hành nghề, thử nghề để qua những trải nghiệm này các em sẽ khám phá năng lực bản thân, sở thích có phù hợp với nhu cầu công việc cụ thể của nghề yêu cầu hay không?”.
Tại buổi hướng nghiệp, 2/3 HV ở trung tâm là những người lao động vừa học vừa làm tại các công ty nhưng rất băn khoăn, lo lắng vì vẫn chưa biết được mình phù hợp với nghề nào nhất. “Chọn nghề càng kỹ thì thành công càng lớn, các em cần cân nhắc kỹ đến 3 yếu tố là năng lực, sở thích và nhu cầu thị trường lao động để chọn nghề. Có 3 bước để các em tham khảo chọn nghề, trước hết liệt kê 5 đến 7 nghề yêu thích và “search google” xem bảng mô tả nghề đó như thế nào. Sau đó xem thử năng lực, sở thích có phù hợp hay không rồi loại còn khoảng 3 đến 4 nghề. Bước kế tiếp là tận dụng các mối quan hệ, hỏi những người đang làm lĩnh vực mà mình theo đuổi xem thử như thế nào. Bước cuối là nên đến các cơ sở đào tạo để học thử một số buổi xem mình có phù hợp hay là không”, ThS. Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt cho hay.
Đại diện các trường nghề khẳng định thành công không nhất thiết phải học ĐH mà thành công chính là nhờ đam mê, nếu chỉ học sơ cấp nghề nhưng có cố gắng chắc chắn thành công. Ông Nguyễn Duy Thơ, Hiệu trưởng Trường  Maac Viet Arena, cho hay: “Nhiều HV chúng tôi không theo đuổi con đường ĐH mà vẫn rất thành công, có việc ổn định và mức lương tương đối cao ngay. Nghề mỹ thuật đa phương tiện thu hút nhiều bạn trẻ từ 10 năm trở lại đây, các logo quảng cáo, sản phẩm phim 3D… đều là kết quả của nghề này. HV có thể học một khóa đào tạo ngắn hạn là có thể hành nghề. Thông thường mức lương thực tập cho nghề này là 4 triệu đồng/tháng, thử việc là 7 triệu đồng/tháng, chính thức có thể hơn 1.500 USD/tháng”.
Tại buổi tư vấn, nhiều HV cũng tỏ ra băn khoăn vì kinh tế những năm gần đây có nhiều biến động nên sợ ra trường sẽ khó có việc làm. Ngô Thanh Bình (HS lớp 12B1) phân vân: “Em thích ngành kinh tế như làm nhân viên kinh doanh, nhân viên ngân hàng… nhưng em thấy các anh chị hiện xin việc rất khó khăn. Em không biết có nên đeo đuổi sở thích này hay không?”. Về vấn đề này, ông Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho rằng: “Dù học ngành nghề nào các em cũng đều có việc làm tốt nếu các em chọn đúng sở thích và năng lực của mình. Nếu không có trải nghiệm, các em sẽ chọn sai nghề. Hiện có rất nhiều trường đào tạo nghề ngắn hạn (khoảng 2 đến 3 tháng) với chi phí rẻ, các em nên thử bỏ ít thời gian, tiền của đến những nơi này trải nghiệm xem phù hợp hay không. Đây là mô hình mà các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã rất thành công. Năm 2015 là năm Việt Nam mở cửa thị trường lao động, tính cạnh tranh sẽ cao hơn, nếu không chọn đúng nghề phù hợp thì các em sẽ khó có việc làm hoặc nếu có cũng sẽ làm những việc thủ công, mức lương chỉ đủ nuôi sống bản thân”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Chương trình hướng nghiệp “Học nghề - bước kế tiếp cho tương lai” năm 2013-2014 còn trao nhiều suất học bổng bằng tiền mặt và các suất học bổng học nghề có giá trị đến các HS ở các TTGDTX mà chương trình đi qua. Tại TTGDTX quận 7, Trường TC Nghề Du lịch và khách sạn Khôi Việt đã trao 3 suất học bổng bằng tiền mặt trị giá 500 ngàn đồng/suất và giảm 50% cho 2 suất học bổng nghề (giá trị tùy theo khóa học), Trường Maac Viet Arena trao 2 suất học bổng tiền mặt với trị giá 500 ngàn đồng/suất và 1 suất học nghề trị giá 8,5 triệu đồng. Dự kiến chương trình sẽ được tổ chức ở 20 TTGDTX tại TP.HCM từ tháng 10-2013 đến tháng 12-2013 với khoảng 20 ngàn HS và giáo viên tham gia.