Thứ tư, 21/10/2015, 16h07

Khởi động chương trình hướng nghiệp 2016: Cung cấp ngành nghề cho học sinh

Học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) được các chuyên gia giáo dục tư vấn về các ngành nghề, trong khuôn khổ chương trình “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức sáng 19-10. Ảnh: N.Anh

Ngày 19-10, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần thứ 8 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng các trường ĐH tổ chức đã chính thức khai mạc tại Trường THPT Trưng Vương (Q.1). Đây là chương trình mở màn cho hành trình qua 50 trường THPT và trung tâm GDTX trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia

Trao đổi với học sinh Trường THPT Trưng Vương, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2015 là kỳ thi đầu tiên gộp chung hai kỳ thi THPT và ĐH-CĐ sau gần 20 năm tách riêng. Tuy còn nhiều vấn đề chưa ổn thỏa nhưng Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh, sửa đổi để tiếp tục áp dụng quy chế và phương thức thực hiện kỳ thi cho năm 2016. Về cơ bản, các thí sinh vẫn có quyền chọn thi theo cụm do Sở GD-ĐT địa phương hoặc các trường ĐH đứng ra chủ trì. Điều quan trọng trong kỳ thi này là các em phải lựa chọn các môn thi phù hợp với khả năng và điều kiện xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Năm 2015, việc xét tuyển đầu vào của các ĐH, học viện; trường ĐH-CĐ dựa trên 5 khối thi truyền thống và các tổ hợp bộ môn mới (theo thống kê có gần 100 tổ hợp bộ môn mới được áp dụng cho đợt xét tuyển này). Ngoài 3 môn thi bắt buộc, các em chỉ nên chọn thêm từ 1-2 môn để hạn chế những rủi ro về điểm, thiệt thòi cho quá trình xét tuyển ĐH-CĐ.

Đồng thời, TS. Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia tuy rất quan trọng nhưng không quá lo ngại. “Có thể các em chưa trải qua kỳ thi này nên sẽ cảm thấy áp lực. Tuy nhiên, so với áp lực kỳ thi thì việc chọn cho mình một ngành nghề phù hợp quan trọng hơn”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa nói.

Hạnh phúc là được làm nghề mình yêu thích

Ban tư vấn đang giải đáp các thắc mắc của học sinh

TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, chuyên gia tư vấn tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định: Niềm hạnh phúc nhất của một con người là được làm công việc mình yêu thích mỗi ngày. Chỉ khi thực sự yêu thích, người ta mới có động lực, niềm tin để phấn đấu. Vì vậy, việc xác định được ngành nghề mình yêu thích chính là nền tảng cho sự thành công sau này.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, chỉ thích thôi thì chưa đủ, mà còn cần phải có năng lực trong ngành nghề thì mới vươn tới đỉnh cao. “Ngoài các yếu tố sở thích, năng lực, các em còn cần phải chú ý tới nhu cầu xã hội trong 5-10 năm tới, nghĩa là tới thời điểm các em tốt nghiệp ĐH-CĐ chứ không phải ở thời điểm hiện tại vì thị trường lao động sau 5-10 năm nữa sẽ thay đổi. Cách đây 5-7 năm, rất nhiều thí sinh đã đổ xô vào các ngành sư phạm tiếng Anh, ngân hàng vì đó là thời điểm những ngành nghề này lên ngôi. Thế nhưng, thực tế hiện nay lại cho thấy các ngành này đang bão hòa, nhiều sinh viên ra trường rất khó xin được việc. Vì vậy, việc theo dõi, đánh giá tình hình xã hội để xác định hướng đi phù hợp cho mình là điều các em nên nắm bắt ngay từ bây giờ”, TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao chia sẻ.

TS. Lê Quốc Thắng - Trưởng phòng Đào tạo khảo thí Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM - đang tư vấn ngành nghề nào phù hợp với nữ

Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, đánh giá: Hiện các em đang đứng ở cột mốc đất nước sẽ phát triển về mặt kinh tế xã hội trong thời gian không xa, nhu cầu nhân lực trong thời kỳ hội nhập là rất lớn. Cụ thể, khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng 14,5% vào năm 2025; sự gia tăng cơ hội việc làm mạnh mẽ ở những ngành như sản xuất gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực. Trong giai đoạn 2015-2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%; lao động có trình độ kỹ năng thấp là 23%; lao động có kỹ năng cao sẽ tăng 13% và sẽ có thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.

Các em học sinh đăng ký thông tin hướng nghiệp ngành nghề tại buổi tư vấn

Những vấn đề thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam quan tâm nhất hiện nay là: Kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm). Nếu nắm vững các kỹ năng này, các bạn trẻ không lo sẽ không có việc.

Đó là chưa kể khi hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi, một số ngành kinh tế có thể phát triển nhanh nhờ vào mức tăng trưởng đạt được thông qua quá trình tự do hóa thương mại như các ngành: Dệt may, da giày, thủ công nghiệp, thủy sản, điện tử, đồ gỗ và nội thất… “Những tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế ở khu vực này sẽ mang lại nhiều cơ hội về việc làm. Do đó, những vấn đề thách thức của nguồn nhân lực Việt Nam quan tâm nhất hiện nay là: Kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm). Nếu nắm vững các kỹ năng này, các bạn trẻ không lo sẽ không có việc”, ông Trần Anh Tuấn khẳng định.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

 

Giúp học sinh khám phá, lựa chọn nghề nghiệp

Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM, cho biết chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 8 - năm 2016 được tổ chức nhằm trang bị cho học sinh những thông tin hữu ích về ngành nghề đào tạo từ hệ TC đến CĐ-ĐH, giúp các em có những kỹ năng tiếp cận, phát hiện, khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp phù hợp với sở thích, sở trường, năng lực, thể chất của bản thân. Các chuyên gia tư vấn sẽ cung cấp cho các em những thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực, định hướng phát triển ngành nghề trong tương lai. Ngoài ra, các chuyên gia tư vấn sẽ giúp các em học sinh lớp 12 hiểu rõ hơn về kỳ thi THPT quốc gia - là kỳ thi quan trọng mà sắp tới các em sẽ phải thực hiện, cách vượt qua áp lực tâm lý trong học hành, thi cử…

 

8 ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được phép di chuyển trong khu vực ASEAN được các quốc gia thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo là dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ, du lịch.