Thứ bảy, 2/1/2016, 22h14

Khơi gợi tự hào văn hóa dân tộc

Nhiều năm nay, các trường học trên địa bàn TP.HCM đã đưa trò chơi dân gian vào nhiều hoạt động giáo dục nhằm tạo ra sân chơi bổ ích cho học sinh. Hoạt động này không chỉ giúp các em rèn luyện sức khỏe mà còn khơi gợi niềm tự hào về văn hóa dân tộc.

Học sinh Trường TH Minh Đạo chơi trò ô ăn quan tại thư viện xanh

Tránh bạo lực học đường

Tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi vừa vang lên, các em học sinh Trường TH Minh Đạo (Q.5) đã ùa ra sân chạy đến góc thư viện xanh để chơi những trò chơi dân gian như ô ăn quan, banh thẻ, nhảy lò cò… Vài nhóm khác lại chọn chơi ở góc lớp học hay hành lang. Tất cả vật dụng dành cho các trò chơi đã được nhà trường chuẩn bị sẵn trong những ống nhựa được trang trí bằng tấm đề can đính kèm cành tre xanh.

Đỗ Như Quỳnh (học lớp 5/8) phấn khởi nói: “Từ năm lớp 2 em đã bắt đầu làm quen với những trò chơi ô ăn quan, banh thẻ... Mỗi năm nhà trường đều đưa thêm các trò chơi mới. Em rất thích bởi những trò chơi đó giúp em rèn luyện sức khỏe, giải trí trước khi bắt đầu học bài mới. Sân trường nhỏ, nếu không có những trò chơi này thì giờ ra chơi chúng em cũng không biết làm gì vì rất khó để chạy nhảy thoải mái”.

Thực tế, Trường TH Minh Đạo có khá đông học sinh (52 lớp với hơn 2.300 em), lại nằm ngay trung tâm quận nên không có sân chơi rộng rãi cho các em là điều dễ hiểu. Bởi vậy, nhà trường mới tận dụng mọi khoảng trống, từ sân trường đến lớp học để đảm bảo cho học sinh có thể chơi các trò chơi yêu thích. Thầy Ngô Trung Hải, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Giáo viên và cán bộ Đoàn - Đội cũng tham gia trò chơi cùng các em để đảm bảo an toàn, lại tạo sự gắn kết giữa thầy và trò. Ngoài ra, trong các dịp lễ, Tết nhà trường cũng tổ chức sân chơi này cho phụ huynh cùng chơi. Những trò chơi hiện đại, chơi online hiện nay đã làm cho những trò chơi dân gian dần bị mai một, vì vậy chúng tôi muốn duy trì sân chơi này mọi lúc, mọi nơi để bảo tồn văn hóa dân tộc. Hơn nữa những trò chơi này mang tính chia sẻ, liên kết, nhanh nhẹn và ý nghĩa nhân văn rất cao, đẩy lùi bạo lực trong học đường”.

Hoc sinh Trường THCS An Phú chơi trò ném vòng cổ vịt trong một ngày hội ở trường

Tương tự, Trường THCS Bình Trị Đông (Q.Bình Tân) cũng áp dụng trò chơi dân gian trong các tiết học thể dục. Bùi Thu Hà (học lớp 8) chia sẻ: “Trong giờ thể dục, giáo viên thường áp dụng các trò chơi tập thể như kéo co, đẩy gậy… nên chúng em cảm thấy rất thoải mái”.

Nói về việc áp dụng mô hình này vào tiết học thể dục, cô Nguyễn Minh Diệp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhà trường có chuẩn bị trò chơi dân gian như ô ăn quan, banh thẻ cho các em chơi nhưng chủ yếu là học sinh lớp 6; các lớp còn lại do tâm lý lứa tuổi nên không còn phù hợp. Vì vậy, chúng tôi quyết định đẩy mạnh các trò chơi kéo co, đẩy gậy... trong giờ học thể dục. Các trò chơi này được triển khai khá đơn giản, dễ chơi, học sinh dễ nhập cuộc nên việc phổ biến trò chơi dân gian đến các em rất khả thi. Phát triển những trò chơi dân gian vào nhà trường có thể giúp các em tránh xa những trò chơi mang tính bạo lực nên được phụ huynh ủng hộ nhiệt tình”.

Mong được chơi nhiều hơn

Học sinh Trường THCS Bình Trị Đông chơi kéo co trong giờ thể dục

Phát triển những trò chơi dân gian vào nhà trường có thể giúp các em tránh xa những trò chơi mang tính bạo lực nên được phụ huynh ủng hộ nhiệt tình.

Dù không tổ chức thành những tiết học riêng hay mở  rộng sân chơi này trong giờ ra chơi nhưng vào dịp lễ hầu hết các trường đều đưa trò chơi dân gian vào giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho học sinh.

“Ngày 20-11 hàng năm hay các dịp lễ khác, nhà trường đều tổ chức trò chơi dân gian cho chúng em. Những trò chơi đi cà kheo, leo cầu khỉ, kéo co… khiến cả trường sôi động hẳn. Ngoài ra, chúng em còn tìm về văn hóa xưa như làm tò he, làm gốm, xếp lá dừa… Những trải nghiệm này giúp em và các bạn hiểu thêm về văn hóa dân tộc. Em mong nhà trường sẽ tổ chức nhiều hơn chứ không chỉ là trong các dịp lễ”, Lê Hoàng Quân (học lớp 3/4 Trường TH Phan Đình Phùng, Q.3) cho biết.

Cô Mai Thị Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Phú (Q.2), chia sẻ: “Nhằm tạo sân chơi vui vẻ và giáo dục học sinh phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vào những dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, thành lập Đoàn hay Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhà trường đều tổ chức hội thi kéo co, thảy vòng cổ vịt, nhảy sạp… cho học sinh. Những trò chơi này khó thực hiện trong giờ học, chỉ thực hiện ở giờ ngoại khóa nhưng trong các buổi ngoại khóa cũng còn nhiều chuyên đề khác. Vì vậy, dù cố gắng đưa trò chơi dân gian vào nhà trường nhưng vẫn chưa đủ sức lan tỏa mạnh”.

Bài, ảnh: D.Bình