Thứ năm, 12/1/2017, 12h04

Khởi nghiệp “xanh”

Sự kiện “Make a change weekend” diễn ra cuối tuần qua tại Đà Nẵng giới thiệu khái niệm khởi nghiệp “xanh”, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động vì môi trường hoặc sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Câu chuyện về khởi nghiệp “xanh” thực sự thu hút sự quan tâm của sinh viên và các nhóm khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh”
Những món ăn từ dế của Demeater thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Ảnh: Giang Thanh.

Kiếm tiền… từ rác, từ dế

Những cô cậu học sinh trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) “mắt chữ A, mồm chữ O” khi biết được nguyên liệu để tạo nên những chiếc bánh quy thơm ngon, béo ngậy vừa được thưởng thức là… dế. “Hầu hết phản ứng của mọi người đều như vậy, nếu được nói trước rằng các sản phẩm này làm từ dế thì mọi người sẽ rất e ngại ăn thử”, bạn Tô Hữu Chương, đồng sáng lập Công ty thực phẩm Demeater, bắt đầu câu chuyện của mình.

Ý tưởng táo bạo về sản xuất các loại thực phẩm giàu protein từ loại động vật nhỏ bé này là của nhóm 5 bạn trẻ vừa tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. “Thực phẩm bẩn tràn lan khiến chúng mình mong muốn tạo ra một nguồn protein sạch và đảm bảo an toàn. Ý tưởng về dế không mới, bởi trên thế giới có khá nhiều công ty kinh doanh loại thực phẩm này. Trong khi Việt Nam là một nước nhiệt đới, rất dễ nuôi dế thì tại sao không thử”, Hữu Chương bộc bạch.

Demeater hiện đang cung cấp các sản phẩm dế tươi đông lạnh, dế khô ướp gia vị và bánh quy dế. “Đối với dế đông lạnh và dế khô thì khá dễ nhưng với bánh quy dế, chúng mình phải nghiên cứu rất lâu mới có được quy trình hoàn chỉnh. Trong tương lai, công ty sẽ tập trung phát triển nhiều dòng thực phẩm đa dạng hơn từ dế để có thể xóa bỏ tâm lý e ngại của người tiêu dùng”, Hữu Chương nói.

Hiện, các sản phẩm thực phẩm từ dế của công ty được bán tại các phiên chợ nông sản xanh, qua các kênh mua hàng quen thuộc, và bán lẻ. “Chúng mình đang trong giai đoạn kinh doanh thử, khảo sát thị trường, đồng thời, nhận ý kiến phản hồi để cải thiện sản phẩm rồi hướng đến mở rộng kinh doanh”, Chương chia sẻ. 

Ngay cạnh gian hàng của Demeater, các bà nội trợ đang tò mò về những chai nước rửa chén, nước lau nhà được làm từ rác hữu cơ thực vật của thương hiệu Minh Hồng. Ý tưởng sản xuất các chế phẩm tẩy rửa từ rác thải hữu cơ của bà chủ Trịnh Thị Hồng bắt nguồn từ chuyến đi Philippines tham dự hội nghị về đô thị vào năm 2012. Ở đó, Hồng được một chuyên gia chia sẻ tài liệu về công nghệ enzim để xử lý rác thải hữu cơ. Từ vốn kiến thức đó, chị mày mò thử nghiệm để biến rác hữu cơ thành chế phẩm sinh học dùng để tẩy rửa.

Sau gần 4 năm mày mò, chị cho ra đời hai sản phẩm nước rửa chén và nước lau nhà từ rác hữu cơ thực vật mang thương hiệu Minh Hồng. Hiện, sản phẩm của công ty đã có mặt tại các thị trường TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình và Đà Nẵng…Công ty Minh Hồng đang giải quyết thu nhập cho 85 hộ nghèo trên địa bàn Đà Nẵng với mức 2,4 triệu đến 5 triệu đồng/tháng, góp phần xử lý 94 tấn rác mỗi tháng.

Vì sự phát triển bền vững

Các doanh nghiệp khởi nghiệp khác tham gia sự kiện như Mỹ phẩm sạch Arya Tara, Tư vấn và thiết kế trồng rau thủy canh và mái xanh Skyfarm hay Rau sạch 6 không Mộc Nhiên... cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo người tham dự bởi những sản phẩm hữu ích, sạch và an toàn. Điểm chung của các doanh nghiệp khởi nghiệp tham dự sự kiện “Make a change weekend” chính là yếu tố “xanh” trong các ý tưởng khởi nghiệp.

Chia sẻ về xu hướng khởi nghiệp xanh, TS Kasia Weina, đồng sáng lập và điều hành Công ty  Evergreen Labs (công ty chuyên hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp tác động tích cực đến môi trường và cộng đồng), cho biết: “Hiện nay, trên thế giới, xu hướng khởi nghiệp xanh đang là một xu hướng tất yếu để thích ứng biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu cũng như sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên. Khởi nghiệp xanh và kinh doanh xanh hướng đến việc tạo ra quá trình kinh doanh có tính tái tạo, có tác động tích cực đến môi trường, cộng đồng và cả nền kinh tế”.

Ở Việt Nam, các dự án khởi nghiệp xanh cũng đang thu hút các bạn trẻ và nhận được sự quan tâm của chính quyền và các nhà đầu tư. Tháng 6/2016, Bộ KH&CN phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu” và lựa chọn 19 dự án khởi nghiệp có tác động tích cực với môi trường và nền kinh tế để ươm tạo. Các dự án nước tẩy rửa từ rác thải hữu cơ thực vật Minh Hồng, mỹ phẩm sạch từ thiên nhiên Arya Tara hay thực phẩm sạch từ dế Demeater... đã và đang là những dự án ươm tạo của Vườn Ươm doanh nghiệp Đà Nẵng.

Hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp xanh của sinh viên

Trong khuôn khổ sự kiện “Make a change weekend”, Công ty Evergreen Labs tổ chức hai buổi chia sẻ và thảo luận về khởi nghiệp xanh, kinh doanh xanh cho các bạn học sinh, sinh viên. Hoạt động này thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ, nhiều nhóm dự án khởi nghiệp. Những ý tưởng có tính khả thi sẽ nhận được sự hỗ trợ của Evergreen Labs triển khai dự án. Dự kiến, trong năm 2017, Evergreen Labs sẽ hỗ trợ cho khoảng 10 dự án khởi nghiệp xanh ở Việt Nam.

Giang Thanh (TPO)