Thứ ba, 28/3/2017, 21h25

Không để các phòng khám BSGĐ phải “trùm mền”

Theo báo cáo của Sở Y tế, TP.HCM hiện có 19/23 bệnh viện quận, huyện đã thành lập phòng khám BSGĐ. Cơ cấu từ 1-4 bàn khám do bác sĩ được đào tạo chuyên môn về y học gia đình phụ trách. Mô hình phòng khám gia đình tại các bệnh viện có khu vực riêng biệt, quy trình khép kín từ khám, chữa bệnh cận lâm sàn đến chẩn đoán hình ảnh và thu phí hoặc lồng ghép trong khoa khám bệnh của bệnh viện. Trong năm 2016, hệ thống phòng khám BSGĐ của TP đã thực hiện hơn 652.000 lượt khám, chữa bệnh, trong đó có 922 lượt cấp cứu.

TP hiện có 343 bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa BSGĐ. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP, cho rằng: “TP chưa đủ bác sĩ được đào tạo về y học gia đình, đặc biệt là tại trạm y tế. Nhân sự phục vụ công tác tại phòng khám BSGĐ của trạm y tế chưa tập trung vào hoạt động chuyên môn do phải phụ trách nhiều hoạt động khác của địa phương...”.

Thực tế chỉ có các phòng khám BSGĐ tại các bệnh viện thu hút được người bệnh do có đủ trang thiết bị và nhân lực; ở các trạm y tế phường, xã thì còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là danh mục thuốc và nhân sự.

Bà Phạm Thanh Trang, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.Tân Bình nêu thực trạng, từ năm 2015 trở về đây các phòng khám BSGĐ trên địa bàn quận hoạt động kém hiệu quả. Lý do là chỉ có 10 trạm y tế có bác sĩ cơ hữu, 5 trạm hiện chưa có bác sĩ do không giữ chân được. Bác sĩ thiếu lại phải đi họp nhiều nên bệnh nhân đến khám một vài lần không thấy bác sĩ thì bỏ luôn. Từ thực tế này nên trạm y tế dù có trang bị máy siêu âm cũng… “ngủ gật” vì không có bệnh nhân.

Năm 2016, phòng khám BSGĐ ở Trạm y tế Bình Trưng Tây, Q.2 đã khám cho 3.822 lượt bệnh nhân, từ đầu năm đến nay khám cho 427 lượt. Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng Q.2 cho biết, trạm y tế có phối hợp khám BHYT nhưng danh mục kỹ thuật và nguồn thuốc hạn chế. Được biết, hiện trạm y tế này có 159 danh mục thuốc được duyệt BHYT.

Đồng quan điểm, TS. Lê Văn Thể, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Q.1, tâm tư: “Danh mục thuốc BHYT dành cho trạm y tế phường, xã còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Hơn nữa, chưa có quy chế chuyển viện giữa phòng khám BSGĐ với bệnh viện tuyến trên…”. Được biết, Q.1 đã triển khai phòng khám BSGĐ tại 9/10 trạm y tế phường, mỗi phòng khám đều được trang bị thiết bị cơ bản như máy siêu âm, xét nghiệm, đo điện tim…

Từ những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng không thể để các phòng khám BSGĐ tại các trạm y tế phường, xã “tự bơi” mà phải có sự phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư 16 sửa đổi về thí điểm BSGĐ - trong đó sẽ có những quy định rõ về danh mục kỹ thuật, tài chính, thuốc cơ bản. Bộ trưởng khẳng định: “Các phòng khám BSGĐ sẽ được BHYT chi trả những kỹ thuật cận lâm sàng cơ bản trong chẩn đoán, điều trị những bệnh nhẹ, bệnh thông thường. Tương lai, BHYT cũng chi trả các gói dịch vụ về quản lý sức khỏe toàn diện, chăm sóc sức khỏe ban đầu…”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Minh Châu