Thứ hai, 27/6/2011, 15h06

Không để thầy “học” thay trò

GV phải “buộc” HS làm việc thông qua các loại câu hỏi ở từng mức độ khác nhau (ảnh minh họa). Ảnh: Lê Phương Trí
Làm thế nào để khơi dậy ham muốn tìm tòi của học sinh (HS) trong các môn học nói chung và trong môn địa lý nói riêng? Đây là vấn đề mà mỗi giáo viên (GV) đều trăn trở và tích cực tìm hướng giải quyết.
Cơ sở khoa học và thực tiễn
Có thể khẳng định rằng, chương trình cũ chưa tạo điều kiện cho việc đổi mới phương pháp dạy học, còn quá tải về kiến thức, ít tính thực hành làm cho HS học tập một cách thụ động, không hứng thú sáng tạo. Trong khi đó, bản thân HS đã có những thay đổi lớn về phát triển tâm sinh lý, được tiếp nhận nhiều nguồn thông tin đa dạng, phong phú từ nhiều mặt của cuộc sống, có hiểu biết và linh hoạt hơn so với thế hệ HS cách đây mấy chục năm. Trong học tập, các em luôn có xu hướng chủ động lĩnh hội tri thức và rèn luyện phát triển các kỹ năng. Chính vì vậy mà việc rèn luyện, hướng dẫn các em học tập một cách có hiệu quả trong các tiết học là một yêu cầu rất quan trọng đối với GV trong xu thế mới. Theo đó, GV phải chủ động dẫn dắt HS đi từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, từ tranh ảnh đồ dùng trực quan trong SGK hay sưu tầm trong sách báo… Thông qua các phương pháp, từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng trở về thực tiễn, báo cáo tổ chức sinh hoạt nhóm tìm hiểu phát vấn rồi đến phương pháp hiện đại. Sử dụng hình ảnh sinh động, phim ảnh minh họa trong giáo án điện tử dẫn dắt HS để giúp các em phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo trong học tập bộ môn, đó là những cơ sở khoa học.
Đối với HS trường THCS, do độ tuổi còn nhỏ, trình độ tư duy còn hạn chế, trong khi đó những khái niệm về bộ môn địa lý rất trừu tượng, khó hiểu nếu không nói là còn khô khan và khó học. Do đó, kiến thức không dễ dàng gì mà thâm nhập vào tâm trí các em, mặc dù đó là những kiến thức rất thông thường, những khái niệm vô cùng gần gũi xung quanh các em.
Hiện nay, đa số HS còn nặng học vẹt, hời hợt, ít đào sâu suy nghĩ, thiên nhiều về lý thuyết. Nhiều em ngại quan sát, ngại tư duy, ít quan tâm tới bộ môn và ít dành thời gian học bài. Còn GV, do quan niệm sai lầm coi địa lý là môn phụ nên chưa đầu tư xứng đáng, ít đổi mới phương pháp. Vì vậy tiết học chưa tạo được sự hứng thú cho HS. Cộng với thời gian phân phối chương trình của môn học còn quá ít, trong khi lượng kiến thức thông tin thì dài, vì vậy không phải ai cũng dễ dàng “thâu tóm” được nội dung để giúp HS hiểu và học nhanh hơn.
Vai trò của người thầy
GV có vai trò hướng dẫn HS tự tìm ra kiến thức, giải đáp những câu hỏi xử lý tình huống, biết làm việc cá nhân, chuyển hóa quá trình đào tạo của nhà trường thành quá trình tự đào tạo. Có thể so sánh người thầy giống như một trọng tài đánh giá kết quả học tập và là cố vấn cho HS biết tự đánh giá, điều chỉnh theo yêu cầu của mục tiêu bài học. Đặc trưng của môn địa lý là sử dụng biểu đồ, bản đồ, tranh ảnh, băng hình nên GV vừa coi đây là đối tượng giảng dạy vừa là nguồn tri thức địa lý trong quá trình giảng dạy. GV có nhiệm vụ cung cấp kiến thức qua khai thác bản đồ, biểu đồ cũng như biết: khi nào thì nên dùng nó để chứng minh cho những kiến thức địa lý cần truyền đạt và và khi nào cần dựa vào bản đồ để đặt câu hỏi gợi mở… Với phương pháp này, GV cần phải hiểu thấu đáo những đơn vị kiến thức trong SGK cần truyền tải hay những tranh ảnh mà mình đưa lên. Tuy nhiên, GV nên nhớ khai thác kiến thức từ các bài học theo phương pháp lấy HS làm trung tâm. Trò chủ động tích cực qua hướng dẫn của thầy để có sự tìm tòi suy nghĩ - thầy có nhiệm vụ dẫn dắt định hướng, chọn lọc đơn vị kiến thức chốt lại trong bài. GV phải luôn “buộc” HS làm việc thông qua hoạt động tư duy với các loại câu hỏi ở từng mức độ khác nhau. Riêng về phương pháp báo cáo phải chú ý tới phương diện trực quan, vì đây là phương pháp mới giúp HS nói trước đám đông. Theo đó, ngay từ tiết học trước, GV phải cho HS chuẩn bị khâu chọn nội dung, đề cương báo cáo như thu thập cái gì, lấy từ nguồn nào (sách vở, thông tin, trên mạng)? Cách trình bày hấp dẫn, đặt câu hỏi sau khi báo cáo để mở mang kiến thức. GV nên chọn đơn vị kiến thức để khi đưa ra HS có khả năng khai thác được và chú ý những tình huống sư phạm có thể xảy ra để có kế hoạch đối phó, tránh lúng túng sẽ dẫn đến thất bại.
Nhóm GV địa lý
(Trường THCS Thông Tây Hội, Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Sự chuẩn bị của GV trong việc định hướng vấn đề cho HS khai thác tri thức là rất quan trọng, sẽ quyết định thành công hay thất bại của tiết học. Bởi mỗi bài học đều có cách hướng dẫn, khai thác riêng. Định hướng đúng thì HS không bị lạc đề.