Thứ sáu, 25/2/2011, 11h02

Không để trục lợi tăng giá xăng dầu bất hợp lý

Đồng thời việc cho tăng giá xăng dầu, hôm qua, Bộ Tài chính công bố phương án cụ thể về điều hành giá các mặt hàng than, điện, xăng dầu; yêu cầu cơ quan chức năng kiểm soát, tránh việc lợi dụng tăng giá điện, xăng dầu để tăng giá không hợp lý...

Khách đến mua xăng làm tắc cả đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội).

Ảnh: Hồng Vĩnh

Bộ Tài chính khẳng định: Từ quý II-2011 trở đi sẽ tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nếu giá thế giới tăng thì điều chỉnh tăng giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì khôi phục mức thuế nhập khẩu, sau đó mới thực hiện giảm giá bán.
Theo Bộ Tài chính, nếu tính đủ chi phí, tính đủ thuế và không sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) thì phải điều chỉnh giá hiện hành tăng thêm đối với xăng 6.493 đồng/lít; dầu diesel 6.260 đồng/lít; dầu hỏa 6.692 đồng/lít; madut 4.334 đồng/kg.
Theo quyết định của Bộ Tài chính, giá bán mỗi lít xăng A92 tăng từ 16.400 đồng lên 19.300 đồng, tăng 2.900 đồng/lít. Dầu diesel tăng 3.550 đồng/lít lên 18.300 đồng. Dầu hỏa tăng từ 15.100 lên 18.200 đồng. Còn dầu madut tăng từ 12.690 đồng lên 14.800 đồng mỗi kg.
Tuy nhiên, nếu đây là mức tăng quá cao, do đó trước mắt cần điều chỉnh giá theo hướng giảm bao cấp trên cơ sở: Nhà nước vẫn giữ mức thuế suất thuế nhập khẩu 0%; doanh nghiệp không có lãi và không sử dụng Quỹ BOG.
Với mức điều chỉnh ngày 24-2, giá xăng trong nước vẫn thấp hơn giá xăng của Lào khoảng 5.100 đồng/lít và của Campuchia khoảng 4.200 đồng/lít, của Trung Quốc khoảng 3.200 đồng/lít.
Theo Bộ Tài chính, giá điện tăng bình quân 165 đồng/KWh (15,28%) sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 khoảng 0,38% (chưa tính được tác động của các vòng tiếp theo và yếu tố tâm lý).
"Do giá xăng, dầu trong thời gian tới có khả năng cao hơn mức dự kiến, các chi phí về nhiên liệu khác; tỷ giá mới tính ở mức 19.500 VND/USD; cơ cấu nguồn điện phát sinh thực tế khác với dự kiến trong điều chỉnh giá điện ngày 1-3-2011 sẽ được đưa vào kỳ điều chỉnh giá điện tiếp theo trong năm 2011 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế điều chỉnh giá điện tự động", Bộ Tài chính cho biết.
Còn theo tính toán của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, tác động của giá xăng dầu tăng với mức 16,3- 24,7% lên các ngành hàng khác như sau: sản xuất thép, xi măng tăng 1,8% -3,4%; sản xuất lúa 1,6%- 1,8%; đánh bắt hải sản 16%- 17,7%; các nhóm ngành vận tải lên 6,6-9,6%. Các chuyên gia dự kiến CPI tháng 3 sẽ tăng ở mức khoảng 2%.
Để hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tăng cường công tác quản lý thị trường, có các biện pháp cụ thể không để xảy ra hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu để tăng giá các sản phẩm một cách không hợp lý, trái pháp luật. Thực hiện triệt để tiết kiệm chi phí xăng dầu trong tất cả các cơ quan và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh...
Khánh Huyền / TPO