Thứ năm, 15/6/2017, 23h25

Không dùng ngân sách trả nợ các dự án “đắp chiếu”

Chiều 15-6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trả lời phiên chất vấn của các đại biểu tại Quốc hội kỳ này. Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tăng cường đối thoại, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài. Còn đối với các dự án lớn “đắp chăn đắp chiếu”, sẽ không dùng ngân sách trả nợ...

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: VGP

Tại phiên chất vấn này, rất nhiều đại biểu chất vấn những vấn đề liên quan đến các dự án lớn chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu người dân. Đặc biệt là chậm tiến độ trong dự án đường cao tốc Trung Lương.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn: “Sáng nay Bộ trưởng Bộ GTVT đã giải trình về đường cao tốc Trung Lương. Phó Thủ tướng có thấy yếu kém của ngành chuyên môn trong công tác tham mưu làm kéo dài dự án, kìm hãm sự phát triển các dự án quanh vùng này hay không? Chính phủ hãy đưa ra giải pháp khắc phục và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này để người dân ĐBSCL an tâm”.

Đại biểu Nguyễn Văn Thể, (Sóc Trăng) cũng tâm tư, cao tốc Trung Lương đi Cần Thơ tiến độ quá chậm dù đường này có lưu lượng giao thông cực cao (trên 50.000 xe/ngày) nhưng vận tốc chỉ 40km/h nên thực sự là quá tải. “Dự kiến năm 2012 hoàn thành nhưng đến năm 2015 dự án này lại tái khởi động, thành lập 5 nhà đầu tư BOT nhưng không xong, giờ lại giao cho Vietinbank sắp xếp vốn. Với cách làm này không biết khi nào dự án mới xong”, đại biểu này nói.

Không chỉ dự án này mà còn nhiều dự án khác cũng “đắp chiếu” vì chậm tiến độ. Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: Ngoài 12 dự án “đắp chiếu” mà Chính phủ đã nêu, còn bao nhiêu dự án có tình trạng tương tự. Chính phủ có giải pháp thế nào đối với các dự án tương tự nếu có. Và để xảy ra vấn đề đó, trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời chất vấn của đại biểu Kim Bé về dự án cao tốc Trung Lương, Phó Thủ tướng cho biết, dự án có chậm, Chính phủ nhận thấy có sự yếu kém trong công tác tham mưu làm kéo dài thời gian dự án, kìm hãm việc thực hiện các dự án khác trong vùng. Khó khăn này do thu xếp vốn, Bộ GTVT sẽ sớm khắc phục điều này. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo các chủ đầu tư về các giải pháp thu xếp.

Về 12 dự án thất thoát lãng phí mà đại biểu Tiến nêu, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã công khai, minh bạch, rõ ràng trong thông tin, truyền thông đã đưa thông tin cơ bản về 12 dự án này, Chính phủ cũng đã báo cáo tại phiên khai mạc. Quan điểm rõ ràng của Chính phủ là sẽ không dùng ngân sách trả nợ, xử lý theo cơ chế thị trường, xử lý nghiêm vi phạm. Thực tế có thể vẫn còn những dự án tương tự, tuy nhiên phải rà soát mới biết. Vấn đề là phải làm hết sức để không còn những dự án như thế, tăng cường thực hiện chỉ đạo để ngăn ngừa lãng phí, tham nhũng…

Biên chế giáo viên thành hợp đồng: Mới chỉ là đề xuất

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn: Việc chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải trình nhưng cử tri vẫn rất hoang mang. Vậy Phó Thủ tướng cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ như thế nào về vấn đề này để trấn an ngành giáo dục?

Trả lời chất vấn này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, vấn đề này được đưa ra nhằm để thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Ý chung là Luật Công chức viên chức đối với người lao động là làm thế nào để công chức trở thành những người tác nghiệp chuyên nghiệp trong bộ máy công quyền, còn trong đơn vị sự nghiệp là viên chức thực hiện chế độ hợp đồng.

“Đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ, mới chỉ là đề xuất của Bộ GD-ĐT…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Sáng cùng ngày, sau khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận: Thời gian qua, Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã tích cực triển khai Luật Đầu tư công; việc lập, phân bổ vốn đầu tư công đã từng bước đi vào nền nếp, đảm bảo chặt chẽ; triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả về số dự án, vốn đăng ký và vốn giải ngân, tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thay đổi cơ cấu vốn đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư từ ngân sách Nhà nước...  Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, qua ý kiến của đại biểu chất vấn và tranh luận cho thấy trách nhiệm của Bộ KH-ĐT trong lĩnh vực này còn nhiều điểm cần phải quan tâm, chỉ đạo như: việc phân bổ vốn đầu tư trung hạn còn chậm; vốn đã thấp so với nhu cầu nhưng tiến độ giải ngân vốn cũng còn chậm, tức là “có tiền mà chưa chi được”; nhiều quy định, thủ tục đầu tư còn bất cập, chậm nghiên cứu, sửa đổi. Tình trạng đầu tư còn dàn trải, chưa sát với thực tế đã gây lãng phí; đã tồn tại nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để... Để khắc phục tình trạng nêu trên, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, các bộ trưởng có liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra.

Mỹ Bình - T.Ban