Thứ năm, 27/10/2016, 21h31

Không lái xe sau khi uống rượu bia

Đó là thông điệp của “Chiến dịch tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM năm 2016”, do Ban ATGT TP.HCM phát động vào sáng ngày 27-10 tại Nhà Văn hóa Thanh niên.

Ban tổ chức trao khẩu hiệu cho các đoàn viên thanh niên để chuẩn bị diễu hành chiến dịch “Không lái xe sau khi uống rượu bia”

Chiến dịch thực hiện trong hơn 2 tháng

Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho biết, TP.HCM đã được chọn là một trong 10 TP trên thế giới để tham gia vào thỏa thuận nhằm ngăn chặn sự gia tăng TNGT đường bộ toàn cầu được tài trợ bởi Quỹ Bloomberg Philanthropies. Sáng kiến này được thực hiện trong 5 năm (2015-2019), TP.HCM sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao mức độ ATGT tại TP.HCM. Trong dự án này, UBND TP.HCM đã giao cho Ban ATGT TP làm đầu mối, phối hợp với các sở ngành có liên quan cùng với tổ chức Vital Strategies tổ chức triển khai. Nội dung thực hiện gồm các hoạt động về tuyên truyền, hoạt động về cưỡng chế và hoạt động về hạ tầng.

Trên cơ sở chương trình nói trên, đồng thời nhằm thực hiện kế hoạch truyền thông cộng đồng giai đoạn 2015-2016 trong khuôn khổ Chương trình sáng kiến “Vì ATGT đường bộ toàn cầu” (do Quỹ Bloomberg Philanthropies tài trợ), Ban ATGT TP đã triển khai “Chiến dịch tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM năm 2016”. Theo đó, chiến dịch được thực hiện bằng công tác tuyên truyền trong thời gian từ ngày 27-10-2016 đến 31-12-2016 và công tác cưỡng chế từ ngày 14-11-2016 đến 31-12-2016.

Mục đích của chiến dịch nhằm tăng cường kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT và tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm làm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn. Chiến dịch tập trung ở các đối tượng thường xuyên điều khiển phương tiện xe ô tô, mô tô, xe gắn máy 2 bánh. Qua đó góp phần giảm thiểu TNGT và xây dựng văn hóa giao thông với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.

Cùng chung tay tham gia chiến dịch

Tiến sĩ Tom Carroll, cố vấn cao cấp về chính sách và truyền thông của tổ chức Vital Strategies (thuộc Quỹ Bloomberg) khẳng định: “Chúng ta phát động chương trình truyền thông này là để nhân dân TP hiểu được những hiểm nguy của việc lái xe sau khi uống rượu bia. Công tác tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm không những góp phần cứu được nhiều người và ngăn ngừa thương vong, mà sẽ đưa TP.HCM trở thành một nơi an toàn cho người dân sinh sống”.

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an TP.HCM cho biết, qua thực tiễn công tác, điều tra các vụ TNGT cho thấy, bên cạnh một số nguyên nhân khách quan, thì những hạn chế trong ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông đã và đang trở thành nguyên nhân dẫn đến những vụ TNGT đáng tiếc. Theo thống kê trong 9 tháng đầu năm 2016, đã có gần 140 người tử vong, chiếm gần 1/4 số người tử vong do TNGT trên toàn TP. Trong đó có những trường hợp người điều khiển phương tiện tự té và tự gây tai nạn.

Trên cơ sở dự báo tình hình, đặc biệt trong thời gian tới nhất là vào thời điểm diễn ra Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, Trung tá Phong dự báo tình hình trật tự ATGT trên địa bàn TP sẽ còn nhiều tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Do đó, với nhiệm vụ được phân công, Trung tá Phong khẳng định lực lượng CSGT TP rất nhiệt liệt hưởng ứng chiến dịch tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông. Cụ thể, lực lượng CSGT TP sẽ tăng cường triển khai kế hoạch đến từng cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về nồng độ cồn, và tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhằm giảm thiểu số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT gây ra. Bên cạnh đó, Trung tá Phong cũng kêu gọi và bày tỏ sự tin tưởng vào sự chung tay góp sức của những cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên và HSSV. “Các đồng chí là những tấm gương tiên phong trong việc chấp hành pháp luật và hãy là những tuyên truyền viên cùng với chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành pháp luật giao thông. Đặc biệt, là chấp hành những quy định về nồng độ cồn. Vì an toàn tính mạng, tài sản, sức khỏe, vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì trật tự an toàn xã hội, mỗi người dân TP hãy tự giác tuân thủ và chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn. Đồng thời phải luôn ghi nhớ nguyên tắc “Đã uống rượu bia thì không lái xe. Đã lái xe, không uống rượu bia””, Trung tá Phong nhấn mạnh.

Khuyến cáo người dân không nên sử dụng rượu bia để bảo toàn tính mạng và tài sản cho mình và cho người cùng tham gia giao thông, ông Đỗ Quốc Hiệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế TP) lưu ý: “Cồn là chất có trong rượu bia và có ảnh hưởng lớn đến não. Dù chỉ uống một lượng với nồng độ 0,25% trong máu (tương đương với 0,3 lít bia hoặc 100ml rượu vang), cũng có thể tác động đến hệ thần kinh, làm cho góc nhìn bị thu hẹp và thời gian phản ứng chậm đi dễ gây tai nạn”. Ông  Hiệp cũng chỉ ra kết quả của một cuộc nghiên cứu cho thấy, nếu uống 50g cồn hàng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn, khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly bia. Do vậy, trong một cơn say, con số tế bào não bị chết đi có thể lên đến 10.000.000... Ngoài ra, tình trạng lạm dụng rượu bia còn là một trong những nguyên nhân gây nên các vấn đề về sức khỏe như bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn tâm thần - hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày và tim mạch.

Bài, ảnh: Bích Vân