Thứ sáu, 30/10/2009, 14h10

Không nên cho trẻ uống thuốc với nước trái cây

Khi cho trẻ uống thuốc, cần đọc kỹ hướng dẫn. Ảnh: I.T

Thời gian vừa qua có nhiều thắc mắc của các bà mẹ về thời điểm cho trẻ uống thuốc. Nên cho trẻ uống thuốc trước hay sau bữa ăn? Có thể pha chung thuốc với sữa hay nước trái cây để tránh vị đắng của thuốc hay không? Như vậy thì thức ăn và đồ uống ảnh hưởng như thế nào đến tác dụng của thuốc?
Theo dược sĩ Thu Hà (Bệnh viện Nhi đồng 1) thức ăn và đồ uống có thể làm thay đổi mức độ hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ của thuốc. Trong nhiều trường hợp, thức ăn và đồ uống thậm chí có thể thay đổi tác dụng và độc tính của thuốc.
Ảnh hưởng của thức ăn khi uống thuốc
Dược sĩ Thu Hà cho biết: Thức ăn làm thay đổi thời gian làm rỗng của dạ dày. Nếu uống thuốc lúc đói, thuốc chỉ lưu lại dạ dày 10-30 phút rồi được tống ngay xuống ruột. Trái lại nếu uống thuốc lúc no, thuốc lưu lại dạ dày có thể từ 1- 4 giờ. Điều này ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc vào cơ thể.
Ví dụ: Các thuốc kém bền trong môi trường acid như ampicilin, erythromycin, lincomycin… nếu lưu lại dạ dày lâu sẽ dễ bị acid của dạ dày phá hủy và làm mất tác dụng. Các thuốc được bào chế dưới dạng viên bao tan trong ruột, viên phóng thích chậm thì việc giữ lại dạ dày lâu hoàn toàn bất lợi vì màng viên bao bị phá vỡ, ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc nên những thuốc này uống trước bữa ăn 30 phút đến 1 giờ hoặc sau ăn 1- 2 giờ. Ảnh hưởng của các thành phần trong thức ăn đến sự hấp thu thuốc: Bữa ăn giàu chất béo, quá nhiều đường, quá mặn hoặc quá chua đều cản trở sự di chuyển của khối thức ăn từ dạ dày xuống ruột. Điều này ảnh hưởng không tốt đến các thuốc kém bền trong môi trường acid dạ dày và làm chậm sự di chuyển của thuốc đến vị trí hấp thu tối ưu là ruột non.
Ảnh hưởng của thức ăn đến sự hấp thu thuốc còn phụ thuộc nhiều vào dạng bào chế của thuốc: Các thuốc rắn, thuốc có độ tan thấp dễ bị ảnh hưởng bởi thức ăn hơn dạng thuốc lỏng, thuốc dạng dung dịch.
Những thuốc không bị thức ăn làm ảnh hưởng đến hấp thu có thể uống lúc nào tùy ý nhưng uống vào bữa ăn vẫn tốt hơn vì sẽ làm giảm tác dụng phụ do kích ứng đường tiêu hóa. Trường hợp thuốc có độ tan kém thì cần dùng thêm nhiều nước để thuốc được hấp thu tốt hơn.
Không nên cho trẻ uống thuốc với nước trái cây
Nước là đồ uống thích hợp nhất cho mọi loại thuốc vì không xảy ra tương kỵ khi hòa tan thuốc. Nước cũng là phương tiện để dẫn thuốc vào dạ dày - ruột, làm tăng tan rã và hòa tan hoạt chất, giúp hấp thu dễ dàng.
Nước hoa quả, nước khoáng hoặc các loại nước ngọt có gas vì các nước này sẽ làm hỏng thuốc.
Sữa chứa calci caseinat, ion calci trong sữa sẽ tạo kết tủa với một số thuốc làm cản trở sự hấp thu của thuốc. Ngoài ra, các lipid trong sữa có thể hòa tan một số thuốc và giữ thuốc lại. Các Protein trong sữa cũng gắn với thuốc và làm cản trở hấp thu thuốc.
Ví dụ: Thuốc thuộc nhóm fluoroquinolone (ciprofloxacin, levofloxacin) và các thuốc như: tetracycline, cefuroxime, có thể giảm tác dụng khi uống chung với sữa. Do đó nên cho trẻ uống những thuốc này ít nhất là 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi cho trẻ uống sữa.
Nước chè (trà): cafein trong nước chè có thể gây tủa nhiều thuốc có chứa sắt.
Nước bưởi: Trong nước ép bưởi có chứa naringin. Chất naringin này ức chế hoạt động của men gan do đó làm giảm sự chuyển hóa thuốc và làm tăng nồng độ của thuốc trong máu, vì vậy dẫn đến ngộ độc thuốc.
Nước cam, nước chanh: Sự hấp thu thuốc cetirizine, loratidine,… có thể giảm khi uống thuốc chung với các loại nước này vì thuốc cần môi trường kiềm để hấp thu nhưng nước trái cây chua lại là môi trường có chứa nhiều axit sẽ ngăn cản hay làm giảm sự hấp thu của thuốc.
Vì vậy, chỉ nên cho trẻ uống thuốc với nước, tránh kết hợp thuốc với nước hoa quả, sữa, hay nước chè (trà). Nên cho trẻ uống nhiều nước trong quá trình dùng thuốc để làm tăng tác dụng của thuốc, tăng thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể.
Cần nhớ rằng không nên nằm ngay sau khi uống thuốc, mà cần ngồi 15 - 20 phút và uống đủ nước để thuốc xuống được đến dạ dày và ruột và phát huy tác dụng.
Bảo Trang (ghi)