Thứ sáu, 7/9/2012, 14h09

Không nên ham con “tròn”

Một bệnh nhi nam 4 tuổi nặng 24kg (dư 8kg so với trẻ bình thường) đang điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Phòng cấp cứu, Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2

Thấy con căng da, mặt mũi đầy đặn, tay chân tròn trịa, ông bố, bà mẹ nào cũng hài lòng. Nhưng trên thực tế, trẻ càng “tròn” thì nguy cơ bệnh tật càng cao…
Từ suy dinh dưỡng trở thành béo phì
Cách đây 5 năm, chị Thanh Thảo (nhân viên ngân hàng) sinh bé Thảo Vân chỉ nặng 2,3kg. Đã vậy, bé lại rất biếng ăn nên tăng cân chậm. 3 tháng mà bé chỉ nặng chưa đầy 4kg, trong khi những trẻ khác nặng khoảng 6kg. Bắt đầu từ tháng thứ 4, vợ chồng chị quyết định phải ép con ăn. Chị thuê ôsin chỉ mỗi nhiệm vụ là chăm cho bé Thảo Vân ăn. Ôsin nhà chị rất có duyên trong việc ép trẻ ăn nên chỉ sau 2 tháng từ suy dinh dưỡng, bé Thảo Vân đã có cân nặng bình thường. Từ tháng thứ 7 trở đi, bé bắt đầu tăng cân nhanh so với chuẩn…
Đến khi bé được 2 tuổi thì đã nặng tới 15kg, trong khi những đứa trẻ cùng tuổi phát triển bình thường chỉ nặng khoảng 11,5 đến 12kg. Thấy bé Thảo Vân trắng trẻo, mập mạp, ai nhìn cũng thích. Thậm chí, có hãng sữa còn đặt vấn đề với gia đình chị Thanh Thảo cho bé quảng cáo sữa. Vì vậy, vợ chồng chị Thanh Thảo tỏ ra rất hãnh diện.
3 tuổi, Thảo Vân đi học mẫu giáo. Đầu năm học, khám sức khỏe bé được xếp vào danh sách trẻ béo phì. Theo đó, bé phải ăn nhiều rau, tập thể dục nhiều. Trái ngược với sự “hà khắc” ở trường, về nhà ba má “thả cửa” nên bé cứ vô tư ăn uống. Hậu quả là bây giờ bé dư tới 6kg so với các bạn trong lớp, bé 5 tuổi nhưng nặng tới 25kg.
Trường hợp giống như bé Thảo Vân không phải là hiếm. Vào các trường mầm non sẽ thấy khá nhiều trẻ dư cân, đặc biệt là đầu năm học. Cô Hảo (một giáo viên mầm non ở Q.1) cho biết: “Trẻ suy dinh dưỡng tăng cân thì dễ, còn trẻ béo phì giảm cân rất khó”.
Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ trẻ béo phì ngày càng gia tăng là do các ông bố, bà mẹ ham con “tròn”.
Béo phì - hậu quả khôn lường
BS. Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Khi mắc bệnh, trẻ béo phì thường nặng hơn so với những trẻ có cân nặng bình thường. Chẳng hạn, một trẻ bị bệnh sốt xuất huyết, chúng tôi phải lấy máu rất nhiều lần. Với những trẻ có cân nặng bình thường, việc lấy máu rất dễ dàng. Nhưng đối với trẻ béo phì thì lấy máu rất khó, tay các bé tròn đầy nên BS không thể nhìn thấy ven. Do đó phải lấy dao rạch để tìm ven. Khi các bé bị mất nước, nếu là trẻ có cân nặng bình thường thì môi sẽ khô, BS nhìn là biết và bù nước cho trẻ. Song, đối với trẻ béo phì, mất nước rất khó phát hiện ra. Khi bị xuất huyết dưới da, ở trẻ béo phì cũng rất khó phát hiện. Chính vì khó phát hiện dấu hiệu của bệnh nên bệnh trở nặng, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên ham con mập mạp”.
Về lâu dài, chứng béo phì ở trẻ em là nguồn gốc phát sinh các biến chứng nghiêm trọng ở tuổi trưởng thành. Đó là hội chứng tim mạch, bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn não, hô hấp…
Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh béo phì ở trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ phải kiên quyết loại bỏ thói quen ăn quà, bánh kẹo ở trẻ. Hạn chế các món ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng, pho mát khô. Tăng cường cho trẻ ăn sữa chua, rau quả, lý tưởng nhất là 5 trái cây, rau/ngày. Điều quan trọng là đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng hợp lý và cần thiết của trẻ ở các lứa tuổi trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ở tuổi lên 1, khẩu phần chất đạm của trẻ chỉ khoảng 30g/ngày,  4-5 tuổi là 50g/ngày, 12 tuổi là 100-120g/ngày. Ngoài ra, phải cho trẻ tập thể dục, leo cầu thang bộ, đi bộ, hoạt động thể lực, chân tay tối thiểu 1 tiếng/ngày.
Bài, ảnh: H.Triều