Thứ năm, 25/5/2017, 22h07

Không nên học cứng nhắc

Đọc câu chuyện giáo dục “Học thuộc văn để làm gì cho tương lai?” (ngày 16-5), tôi cho rằng đây không phải là trường hợp riêng lẻ về cách ôn thi môn ngữ văn lớp 12 mà hầu như ở địa phương nào cũng xảy ra tình trạng này. Đó là giáo viên soạn đề cương, cách trả lời từng câu hỏi và học sinh phải học thuộc từng chữ để giáo viên kiểm tra đã “thấm” chưa? Việc ôn tập bộ môn như thế quả là một cực hình đối với học sinh. Một câu hỏi mà có tới mấy trang giấy A4 phần trả lời thì làm sao các em nhớ nổi, trừ thần đồng may ra mới làm được! Thầy cô nào cũng muốn học trò mình làm bài đạt kết quả tốt nên có nhiều “sáng kiến” như vậy để các em học đúng trọng tâm. Đó cũng là điều tốt nhưng xem ra cách làm chưa ổn, chưa thực sự khoa học.

Nguyên nhân giáo viên bắt buộc học sinh học theo đề cương soạn sẵn phần trả lời từng câu hỏi là do cách ra đề thi mấy năm nay. Đó là đề thi thường có nhiều câu hỏi, nhiều chi tiết cần phải trả lời (trong thời gian ngắn) mà chỉ chọn cách trả lời đúng mới đạt yêu cầu. Đề thi minh họa, tham khảo… đều rất sáo mòn, không có cái mới, không có tính đột phá trong cách ra đề. Một khi cứ phải làm kiểu đề như vậy thì học sinh còn học vẹt, học thuộc dài dài, còn lâu mới khắc phục được.

Tuy nhiên vẫn có cách “hóa giải” áp lực ôn tập cho học sinh bằng cách thảo luận chung tại lớp trong quá trình ôn tập. Giáo viên lần lượt nêu từng câu hỏi và để học sinh tự làm bài, tự trả lời và giáo viên bổ sung, định hướng. Các em sẽ tự ghi bài (trả lời câu hỏi) bằng ý của mình, bằng cách diễn đạt của mình miễn là nêu đúng vấn đề. Có thể không theo thứ tự ý này ý khác như của thầy cô đưa ra, miễn là đảm bảo đầy đủ các ý. Xin nhấn mạnh là để học sinh tự ghi, tự diễn đạt ý và giáo viên không nên diễn đạt thay, cảm nhận thay, ghi bài thay vì đó không phải là lời, là ý của các em nên rất khó nhập tâm khi học bài. Một khi các em tự hiểu, tự ghi chép thì sẽ tạo sự tự tin, thoải mái trong việc học và kiến thức sẽ được nhớ lâu hơn. Chúng ta phải chấp nhận nhiều cách hiểu, nhiều cách diễn đạt, trình bày bài làm của học sinh chứ không máy móc theo hướng dẫn, đáp án mà phải vận dụng vào từng bài làm cụ thể của các em.

Sự bức xúc của các bậc phụ huynh cũng có cái lý của nó! Văn gì mà học như vẹt, đọc mà không hiểu, không cảm; chỉ biết học thuộc để trả bài cho thầy cô một cách vô cảm, như cái máy cài đặt sẵn câu trả lời. Hậu quả là khi các em phải tự viết, tự diễn đạt, không có ai “mớm” bài thì vô cùng vất vả, phải đánh vật với từng con chữ.

Nên đổi mới mang tính đột phá trong cách ra đề thì sẽ có chuyển biến mạnh mẽ trong cách học, cách ôn thi.

Hồng Lam Sơn