Thứ bảy, 2/12/2017, 10h36

Không tự tiêm thuốc khi con dậy thì sớm

Số trẻ dậy thì sớm ngày càng nhiều, có trẻ mới 3 tuổi đã dậy thì. Các cha mẹ nên lưu ý những thay đổi sinh lý bất thường ở trẻ và đưa đến bác sĩ để có liệu pháp thích hợp.

Không tự tiêm thuốc khi con dậy thì sớm - Ảnh 1.

Bác sĩ tái khám cho trẻ bị dậy thì sớm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: T.Dương

Mỗi tháng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 30 ca trẻ bị dậy thì sớm đến khám, điều trị. Số bệnh nhân trong năm 2017 tăng gần gấp đôi so với năm trước. Hiện có 200 bệnh nhi dậy thì sớm đang được bệnh viện này quản lý.

Con gái mới học lớp 1, chị N.T.N.H - 42 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM - đã phát hiện con mọc lông vùng kín, ngực nhú lên. Thế nhưng chị không biết đây là triệu chứng của bệnh dậy thì sớm nên không đưa con đi điều trị. Đến năm con học lớp 2 thì có kinh nguyệt, lúc này vợ chồng chị mới đưa con đi khám.

Những triệu chứng bất thường

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ đã chẩn đoán con chị (cháu H.P.T., 7 tuổi) bị dậy thì sớm. Ngay sau khi được điều trị chích thuốc, cháu T. ngưng có "kinh nguyệt", gương mặt trở lại đúng tuổi chứ không già như trước. 

 

Đến nay, sau gần 3 năm điều trị, cháu học hết lớp 5 thì bác sĩ ngưng chích thuốc. Lúc ngưng chích thuốc, cháu cao 1,48m. Hiện cháu đang học lớp 8, cao 1,51m. Theo chị H., cháu học lớp 1 đã cao hơn các bạn khác trong lớp, nhưng đến giờ thì lại thấp hơn.

Bác sĩ Trần Thị Bích Huyền, khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết một số ông bố bà mẹ hốt hoảng đưa con đến bệnh viện vì con trai họ mới gần 3 tuổi mà rất thích sờ đùi các cô gái trẻ, dương vật của cháu hay cương cứng. 

Khi khám cho những trường hợp này, bác sĩ thấy dương vật của cháu to bất thường, thậm chí đã mọc lông, sau khi làm các xét nghiệm, chụp MRI, cháu được chẩn đoán dậy thì sớm.

Lứa tuổi các bác sĩ gặp nhiều ở trẻ dậy thì sớm được ba mẹ đưa đi khám là 6-8 tuổi, với những triệu chứng như có lông mu, ngực to, dương vật cương cứng... Trẻ bị dậy thì sớm lúc nhỏ thường cao nhất lớp. Khi đưa trẻ đi khám, các bậc cha mẹ đều hoang mang lo lắng, mong muốn bác sĩ giúp con trở về tình trạng bình thường.

Theo bác sĩ Huyền, trẻ dậy thì sớm là trẻ dậy thì trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Dậy thì sớm ở trẻ gái đa số không tìm được nguyên nhân, còn ở bé trai thì 50% trường hợp có khối u trên não hoặc ở vị trí nào đó.

Lưu ý điều trị

Thấy con nhỏ tuổi, đã có những triệu chứng như vậy, các bậc cha mẹ đều rất hoang mang, lo lắng, nhưng khi nghe bác sĩ tư vấn có thuốc chích để ức chế dậy thì thì họ yên tâm. Mỗi tháng, các bé sẽ đến bệnh viện chích thuốc.

Trẻ được tiêm thuốc sẽ ức chế sự phát triển của các đặc tính sinh dục như kìm hãm sự phát triển của tuyến vú, lông mu, kinh nguyệt, giúp trẻ tập trung vào việc học, hòa đồng cùng bạn bè, tránh bị xâm hại tình dục. Về lâu dài sẽ giúp trẻ cải thiện chiều cao sau này. Bởi nếu không tiêm hormone thì xương sẽ bị ảnh hưởng.

Với những trường hợp 6-8 tuổi hoặc trên 8 tuổi, không phải nhất thiết điều trị ức chế dậy thì. Việc điều trị này chỉ giúp giải quyết những vấn đề ngắn hạn như kìm hãm sự phát triển đặc tính sinh dục phụ, làm chậm thời gian phát triển tuyến vú, lông mu, còn về mặt chiều cao thì không còn nhiều, thậm chí không có.

Bệnh nhi được chích hormone đến tuổi có thể dậy thì bình thường (10-11 tuổi). Tùy lứa tuổi phát hiện trẻ dậy thì sớm mà thời gian điều trị sẽ thay đổi. Trẻ được tiêm thuốc mỗi tháng một lần, thuốc được BHYT chi trả hoàn toàn. 

Sau khi ngưng chích thuốc, những đặc tính sinh dục sẽ phát triển trở lại, sau 12-18 tháng bé gái có kinh trở lại, còn bé trai sẽ sản xuất tinh trùng bình thường.

Béo phì liên quan đến dậy thì sớm

Nhiều bà mẹ luôn đặt câu hỏi với các bác sĩ: "Có phải uống nhiều sữa bò sẽ gây ra tình trạng dậy thì sớm?". 

Bác sĩ Hồ Thị Ngọc Bích, khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết đến nay các công trình nghiên cứu trên thế giới chưa thấy có mối liên quan về việc uống sữa bò gây ra bệnh dậy thì sớm, mà chỉ thấy béo phì có liên quan đến tình trạng dậy thì sớm.

Ngoài ra, cũng có một số bằng chứng về mối liên quan dậy thì sớm với lượng đạm động vật tiêu thụ. Một số nghiên cứu cho thấy rằng dùng nhiều đạm thực vật thì trẻ sẽ dậy thì muộn hơn. 

Các bác sĩ khuyên để tránh tình trạng dậy thì sớm, cần cho trẻ hạn chế ăn các thức ăn năng lượng cao, ngăn ngừa, điều trị sớm tình trạng béo phì ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, chăm sóc tiền sản tốt cho tất cả bà mẹ đạt dinh dưỡng đầy đủ trong giai đoạn bào thai.

Theo TS.BS Huỳnh Thoại Loan - trưởng khoa thận - niệu Bệnh viện Nhi Đồng 1, số lượng trẻ dậy thì sớm gia tăng theo từng năm. 

Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã thành lập câu lạc bộ dậy thì sớm để coi đây là kênh trao đổi chính thống giữa nhân viên y tế có năng lực kỹ năng và đối tượng "đích" của dậy thì sớm (gia đình, bản thân bệnh nhân), giải đáp những thắc mắc của gia đình và bệnh nhân, tạo kết nối giữa các gia đình cùng bệnh nhân.

Không tự tiêm thuốc cho con

Một số phụ huynh tự mua thuốc về chích cho các cháu để ức chế sự phát triển dậy thì sớm.

Theo bác sĩ Huyền, việc làm này là liều lĩnh.

Việc tiêm hormone này phải có sự chỉ định cũng như theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa, vì dùng hormone ức chế dậy thì không đúng chỉ định sẽ làm trẻ không có được quá trình dậy thì bình thường, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của đứa trẻ.

THÙY DƯƠNG/TTO