Thứ ba, 27/6/2017, 16h49

Không tùy tiện khi dùng nước điện giải

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm (BV Nhi đồng 1) khuyến cáo, cha mẹ không nên tạo thói quen cho trẻ uống nước điện giải ozon khi bị mất nước và đặc biệt là cho uống theo tỷ lệ đậm đặc có thể ảnh hưởng đến não bộ và dẫn đến tử vong.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người nuôi con nhỏ vẫn nghĩ rằng khi trẻ bị tiêu chảy, ra nhiều mồ hôi thì biện pháp tích cực nhất là cho con mình uống thật nhiều điện giải để bù nước. Đây là một quan niệm và thói quen sai lầm mà chúng ta nên tránh nhất là trong mùa hè nắng nóng.

Không pha tùy tiện

Khi mất dịch dưới 5% trọng lượng cơ thể, dấu hiệu đầu tiên là khát, nhịp tim nhanh, da nhăn, mắt trũng, hạ huyết áp, dễ bị kích thích, giảm niệu hoặc vô niệu, trạng thái lơ mơ hoặc hôn mê xuất hiện nhanh. Trong các trường hợp tiêu chảy cấp ở mức độ nhẹ và vừa, BS thường khuyến cáo người bệnh sử dụng ORS (oral rehydration salts) uống để bù nước và chất điện giải. Khi chưa được pha chế thường gọi là ORS ở dạng bột hoặc viên sủi nhưng khi đã được pha chế với nước thì gọi là dung dịch oresol.

Theo BS Khanh, ORS là loại thuốc dùng để bù nước điện giải trong các trường hợp tiêu chảy cấp từ nhẹ đến vừa. Nếu lượng nước mất bằng khoảng 10% trọng lượng cơ thể, người bệnh có thể bị sốc, và nặng hơn, dẫn đến tử vong. Vì vậy, đối với người bệnh bị tiêu chảy điều quan trọng và cần làm ngay là bù nước và các chất điện giải. Hiện trên thị trường có hai dạng thuốc uống và viên nén sủi bọt. Vậy uống ORS thế nào cho đúng cách? Theo hướng dẫn của thầy thuốc, cần hòa tan các gói hoặc viên thuốc trong nước theo hướng dẫn ghi trên nhãn của từng loại chế phẩm. Tuy nhiên thực tế nhiều người pha chừng pha đại một cách tương đối vì nghĩ không sao. Đây là quan niệm chưa đúng vì nếu đặc hoặc loãng quá đều không có lợi cho cơ thể mà ngược lại còn gây hại.

Lưu ý thêm, cần thận trọng khi dùng dung dịch oresol cho người bệnh suy tim sung huyết, sưng phù bị suy thận nặng hoặc xơ gan vì dễ có nguy cơ gây tăng natri huyết, tăng kali huyết. Trong quá trình điều trị, cần theo dõi cẩn thận nồng độ các chất điện giải. Dung dịch oresol có thể dùng an toàn cho phụ nữ mang thai và những người mẹ đang cho con bú sữa.

Nguy hiểm nếu quá đậm đặc

Người bệnh không có nước tiểu hoặc có ít nước tiểu kéo dài cần phải tiêm truyền nước và chất điện giải một cách chính xác. Ngoài ra, ORS hay dung dịch oresol không nên dùng trong trường hợp tiêu chảy nặng khi tình trạng tiêu chảy vượt quá 30ml/kg cân nặng cơ thể mỗi giờ, người bệnh có thể không uống được đủ nước để bù lượng nước bị mất liên tục. Trường hợp bệnh nhân nôn nhiều và kéo dài, bị tắc ruột, liệt ruột, thủng ruột cũng chống chỉ định dùng dung dịch bù nước và chất điện giải. Đây là kiến thức khoa học mà không phải ai cũng biết được.

BS.CK2 Lê Thị Minh Châu - Khoa Nội tiết - Tiêu hóa (BV ĐH Y dược TP.HCM) hướng dẫn, hòa tan các gói hay viên sủi ORS với nước đun sôi để nguội để có dung dịch oresol theo hướng dẫn cụ thể được ghi trên từng loại chế phẩm, sau đó cho người bệnh uống dung dịch đã pha theo liều lượng quy định. Để bù nước trong các trường hợp mất nước nhẹ bắt đầu cho uống 50ml/kg cân nặng trong 4-6 giờ, nếu mất nước vừa phải bắt đầu cho uống 100ml/kg cân nặng trong vòng 4-6 giờ. Sau đó điều chỉnh liều lượng và thời gian sử dụng tùy theo mức độ khát nước và đáp ứng với điều trị. Ở trẻ em nên cho uống từng thìa một, uống liên tục cho đến hết liều lượng đã quy định, không nên cho trẻ uống quá nhiều cùng một lúc vì sẽ gây nôn. Lưu ý ở trẻ em nên tính liều lượng dùng theo trọng lượng cơ thể sẽ tốt hơn theo nhóm tuổi. Đối với trẻ nhỏ cần cho uống từng ít một, uống chậm và chia làm nhiều lần; nếu chưa đến 24 giờ mà trẻ đã uống hết 150ml dung dịch/kg cân nặng thì nên cho uống thêm nước bình thường để tránh tăng natri huyết và đỡ khát nước. Cần tiếp tục cho ăn uống bình thường càng sớm càng tốt khi bù lại được lượng dịch đã thiếu và khi có dấu hiệu thèm ăn trở lại, đặc biệt những đứa trẻ bú sữa mẹ cần phải được bú sữa giữa các lần uống dung dịch. Nên cho người bệnh ăn kèm các loại thức ăn mềm như cháo gạo, chuối, đậu, khoai tây hoặc các thức ăn nhiều bột nhưng không có lactose.

Chú ý tránh dùng các loại thức ăn hoặc dung dịch khác chứa chất điện giải như nước quả hoặc thức ăn có muối cho tới khi ngừng điều trị để hạn chế dùng quá nhiều chất điện giải hoặc xảy ra tình trạng tiêu chảy do hiện tượng thẩm thấu. Nên bảo quản ORS dạng bột hay viên sủi chưa pha thành dung dịch ở nơi thoáng mát ở nhiệt độ dưới 30 độ C.

Nếu dùng quá liều lượng quy định với ORS pha đậm đặc, dung dịch bù nước và chất điện giải oresol sẽ gây nên triệu chứng quá liều gồm: tăng natri huyết làm hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh, tăng huyết áp, cáu gắt, sốt cao... và dấu hiệu thừa nước như mi mắt sưng húp, phù toàn thân, suy tim. BS Khanh nhắc nhở, phải quan niệm rằng ORS hay dung dịch oresol là một loại thuốc, vì vậy nên lưu ý đến những điều cần thận trọng và các trường hợp chống chỉ định cũng như liều lượng sử dụng hợp lý để đạt được kết quả điều trị tốt. Mặc dù việc sử dụng ORS dạng bột hay viên sủi để pha dung dịch oresol nhằm xử trí bù nước và chất điện giải trong các trường hợp bị tiêu chảy cấp ở mức độ nhẹ và vừa khá phổ biến nhưng chúng ta cần phải có những hiểu biết cần thiết trước khi dùng để bảo đảm tính an toàn, hiệu quả, nhất là đối với trẻ em.

Hoàng Anh