Thứ năm, 4/2/2016, 18h12

Khua lại tiếng cồng chiêng miền sơn cước

Đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng vì nghệ thuật truyền thống, ông vẫn gắn bó với công việc của mình. Bên ánh lửa bập bùng trong cái mênh mang của miền sơn cước, tiếng chiêng của người Mường vẫn ngân vang. Nhưng để tiếng chiêng ấy quay trở về đúng nơi nó sinh ra, ông đã phải bán hết cả trâu bò, gà lợn. 
Ông là nghệ nhân Nguyễn Văn Thực, tổ 14, phường Thái Bình, TP.Hòa Bình. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Mường Chăm, nghệ nhân Nguyễn Văn Thực vẫn còn lưu giữ ký ức của thuở thiếu thời. 
Chợ Rậm, bến Bờ
Chợ Rậm bến Bờ là thành ngữ chỉ địa danh nổi tiếng xưa kia của vùng đất này. Chợ Rậm mỗi tháng họp vào ngày 1, 3, 7 nên trước phiên chợ chính có phiên chợ đón. Nhà gần chợ nên cứ đến phiên chợ đón, nhà ông lại tấp nập người ra vào. Còn bến Bờ chính là bến thuyền nằm trên dòng sông Đà thi thoảng đón vua quan từ đất Kinh kỳ thiên lý lên miền sơn cước. Cũng chính từ bến Bờ mà tài năng của cậu bé Nguyễn Văn Thực được thể hiện. Theo cô ruột là Nguyễn Thị Tợng đi biểu diễn văn nghệ mỗi khi có quan lại, vua chúa từ dưới xuôi lên. Rồi ông học đàn, ca, sáo nhị, nhưng đặc biệt ông gắn bó với tiếng chiêng của người Mường. Đến năm 17 tuổi, chàng thanh niên xứ Mường đã đi biểu diễn nhiều tiết cồng chiêng ở khắp nơi như: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động… Tiếng chiêng như ăn vào máu thịt chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thực. Chính vì vậy, một bộ có 12 chiêng nhưng khi biểu diễn ở dưới thuyền trên sông, chim trên rừng nghe thấy nên hót theo, do đó, ông thêm một cái chiêng thứ 13 để họa tiếng chim. 
Đất nước có nhiều biến cố, chiến tranh, loạn lạc, người dân xứ Mường Chăm phải bán dần đồ vật trong nhà để sống. Nhà ông Thực cũng thế, những chiếc chiêng cuối cùng ra đi trong cái ngẩn ngơ của người nghệ sĩ. Rồi cuộc sống kim tiền, xoay vòng cơm áo, nó cũng cuốn theo những đam mê một thời để rồi, mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, ông mới chợt nhận ra, đi qua nửa đời người và đã bỏ quên mất cái hồn, cái cốt của dân tộc. Thế là ông bán gà, bán bò, đi vào tận xứ Thanh để tìm mua chiêng. Sau 10 năm, 2 bộ chiêng đã thuộc sở hữu của riêng ông. Có những chiếc chiêng giá trị 10 triệu, 20 triệu đồng… Chiêng cổ thì đắt tiền hơn, lên đến 30-40 triệu đồng. “Số tiền từ việc bán bò, lợn, gà… đều được gia đình tán thành cho tôi đi mua chiêng. Vậy nên hễ có người bán cồng chiêng là tôi lại tới tìm”, ông Thực kể.
Nhưng để tiếng chiêng quay lại với bà con người Mường không đơn giản. Bởi cuộc sống đã có quá nhiều đổi thay, thế hệ trẻ từ lâu không còn thấy bóng dáng của chiếc chiêng và cũng chưa từng được nghe tiếng bung - beng của nó. Chính vì vậy, năm 1994, khi cô con gái đầu lấy chồng, ông Thực đã mang chiêng ra đánh. Ban đầu người làng còn e dè, nhưng sau thấy hay nên nhà ai gả con cũng nhờ ông đánh chiêng. Từ đó, tiếng chiêng có cơ hội được quay lại với cộng đồng nơi nó đã được sinh ra. 
3 thế hệ một tiếng chiêng
Tình yêu đối với cồng chiêng được nghệ nhân Nguyễn Văn Thực truyền lại cho các con, các cháu. Con gái thứ ba của ông Thực đồng thời là Đội trưởng Đội cồng chiêng “Hương rừng Tây Bắc” - chị Nguyễn Thị Bịnh cho hay: Cồng chiêng kén người tập, người diễn. Nó không giống như nhạc cụ khác chỉ cần một người là có thể biểu diễn được. Để tạo ra giai điệu cồng chiêng, ngoài 6 nốt chính do những người già dặn và có kinh nghiệm đánh còn cần thêm những diễn viên thể hiện chiêng khầm. Cứ như vậy, tiếng này dồn tiếng kia, người này hiểu người kia thì mới tạo ra được giai điệu cồng chiêng có hồn. “Tình yêu cồng chiêng của tôi được cha truyền từ nhỏ, nay lại được truyền tiếp cho cô con gái tôi là Nguyễn Thị Thoa. Niềm vui lớn nhất là tối đến cả nhà quây quần bên những giai điệu cồng chiêng ngân nga bung… beng”, chị Bịnh tâm sự.
Hiện nay, đội cồng chiêng “Hương rừng Tây Bắc” có 24 thành viên (5 nam, 19 nữ), bao gồm cả nhạc công, diễn viên. Đội văn nghệ vẫn luôn tự hào vì thế hệ diễn viên trẻ có lòng đam mê, yêu thích cồng chiêng từ khi còn nhỏ và tham gia lưu diễn nhiều nơi như Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định… “Hương rừng Tây Bắc” đã được đánh giá cao, giành được nhiều huy chương vàng trong những chương trình biểu diễn cồng chiêng lớn trong, ngoài tỉnh.
Trong số 24 thành viên của đội, có 10 người là con gái, con rể và cháu ông Thực. Ngoài “truyền nghề” cho con, cho cháu, ông Thực còn dạy cho trẻ trong làng. “Nếu chú tâm học, chỉ 1 tháng là có thể đánh chiêng được. Cái khó của chiêng là không có nốt nhạc. Tiếng nào đến ai thì người đó đánh. Giống như bản hợp xướng, muốn đánh được một bài người trong đội đôi khi phải hội ý với nhau cả tháng”, ông Thực chia sẻ. Ông cũng là người chơi thuần thục 9 bài chiêng cổ cũng như các bài chiêng mới. Ông đã sưu tầm được dàn chiêng đủ 12 chiếc, trong đó có nhiều chiếc chiêng cổ. Ngoài ra, ông còn có tài làm nhạc cụ, nhà xe, nhà táng cho lễ tang cổ truyền của người Mường và các đồ mỹ nghệ trang trí nội thất gia đình.
Mong muốn của ông là khắp các bản của người Mường mọi người đều biết đánh chiêng và nhớ đến tiếng chiêng của cha ông mình. Chính vì vậy, không chỉ truyền dạy cho các thế hệ trẻ trong thôn, bản mà ông còn đi khắp các xã để dạy. Nhưng điều vui nhất của ông là giới trẻ rất hứng thú. 
Không còn trẻ, nhưng ông Thực vẫn là thành viên không thể thiếu trong đội chiêng “Hương rừng Tây Bắc”. Ngoài những buổi đi biểu diễn, ông trở về với công việc hàng ngày là làm cung, làm sáo bán lưu niệm. Công việc không mang lại nhiều thu nhập nhưng đó là niềm vui. Với ông, tiếng cồng, tiếng chiêng vẫn mãi ngân nga, là tiếng của tình yêu, của núi rừng, của dân tộc.
Nghiêm Huê