Thứ ba, 23/8/2016, 20h55

Khúc “dạo đầu”... một giờ học

Đã thành điệp khúc, mỗi lần vô lớp là thầy A., cô B. luôn dành thời gian chừng hơn chục phút “điểm tin thời sự” cho cả lớp nghe. Thời gian đầu, các em học sinh còn chăm chú lắng nghe những lời “gan ruột” của thầy cô về giá cả lên hàng ngày; về những tiêu cực ngoài xã hội; về an toàn thực phẩm; về ô nhiễm môi trường… Nhưng về sau, hễ thấy bóng thầy cô vô lớp là các em lại nhao nhao lên “Buổi điểm tin thời sự bắt đầu!” rồi cả đám cùng cười thích thú nhưng trong bụng thấy “đau khổ” vì phải mất thời gian cho việc “điểm tin thời sự” của thầy cô!

Có lúc cao hứng, thầy cô còn đưa cả chuyện xã hội, chuyện nhân sự, chuyện hối lộ, tham nhũng; chuyện thi tuyển công chức chưa công bằng; nạn “con ông cháu cha” (phần nhiều thu thập trên mạng, có khi có những tin chưa được các cơ quan chức năng kiểm chứng) kể cho các em nghe và không quên có những bình luận kiểu như “Học giỏi mà không có “chưn cẳng” thì ra trường xin việc khó lắm!”, hoặc “Thời buổi này là thời buổi kim tiền. Ai có nhiều tiền thì kẻ đó mạnh!”…

Nghề dạy học là nghề tiếp xúc nhiều tầng lớp người trong xã hội. Nghề dạy học cũng là nghề mà thầy cô luôn nhạy cảm với những sự việc xảy ra hàng ngày mà mình chứng kiến, “mắt thấy tai nghe”. Người thầy cũng phải chịu rất nhiều áp lực trong ngoài và không ít chất chứa những bức xúc trong người…

Nhiều khi thầy cô muốn “xả” những bức xúc đó nhưng không biết “xả” vào đâu? Gặp ban giám hiệu, gặp bạn bè “tâm đầu ý hợp” nhưng thời gian đâu? Thế là học sinh trở thành “đối tượng tâm sự, chia sẻ” với thầy cô. Học sinh THPT cũng đã có nhận thức, nhiều em cũng có những bức xúc trước những tiêu cực ngoài xã hội. Thế là “thầy tung trò hứng”, gần nửa thời gian tiết học trôi qua lúc nào không hay! Lúc ấy, thầy cô ghi vội vội vàng vàng tựa bài dạy lên bảng; nếu “trình diễn” máy chiếu nữa thì loay hoay nối dây, cắm phích cũng mất hơn năm bảy phút. Xem tập ghi của trò trong những giờ của thầy cô ưa chuyện “thời sự” này chúng ta sẽ thấy những dòng như “xem sách giáo khoa, trang…”; hoặc “phần này tự nghiên cứu” hoặc “chép phần “ghi nhớ” trang…”.

Một bài học lẽ ra có thời lượng 45 phút nhưng cuối cùng chỉ có hơn 20 phút học gấp gáp thì làm sao các em nắm được nội dung cơ bản của bài học. Mỗi bài dạy quy định 45 phút đều có cơ sở khoa học; với số lượng kiến thức như vậy thì sức tiếp nhận của học sinh là vừa, không nặng hơn mà cũng không nhẹ hơn.

Hiện tượng cắt xén thời gian trong một tiết học không phải là hiếm trong nhà trường hiện nay. Chuyện “điểm tin thời sự” chỉ thỏa mãn được bức xúc cá nhân thầy cô; còn tác dụng của nó có hại nhiều hơn cái lợi. Vì vậy, mỗi thầy cô phải thường xuyên tự điều chỉnh mình để luôn xứng đáng là “tấm gương sáng” cho học sinh noi theo…

Lê Trường Sa