Thứ ba, 22/11/2016, 13h48

Khuông nhạc tâm hồn

Giáo dục âm nhạc là giáo dục tình cảm đạo đức và thẩm mỹ, là “phương tiện” hỗ trợ đắc lực cho trẻ phát triển năng lực trí tuệ, thể chất. Có thể nói giáo dục âm nhạc có ảnh hưởng tích cực đến việc hình thành nhân cách và giúp trẻ phát triển toàn diện.

Nhạc sĩ trẻ Hồ Văn An với các học viên lớp thanh nhạc và nhạc cụ đàn organ

Âm thanh đánh thức cuộc đời

Vào một buổi tối đầu tuần tại Trung tâm Âm nhạc Phaolo (Q.Tân Bình) mới 5 giờ chiều đã có hơn 10 học viên đang miệt mài bên những chiếc đàn organ, guitar, piano dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên (GV). Ở lớp thanh nhạc của ca sĩ - nhạc sĩ Hồ Văn An có cô trò nhỏ Vân Anh là HS lớp năm của Trường Tiểu học Xuân Thới Thượng (Hóc Môn). Theo lời mẹ bé Anh, dù trong gia đình không có ai đi theo con đường nghệ thuật nhưng ngay từ khi học mẫu giáo Vân Anh đã thích ca hát. Năng khiếu đó thật sự bộc lộ khi em vào trường tiểu học. Còn Vân Anh thì thổ lộ: Chính được tiếp xúc nhiều hơn với các tiết học nhạc mà em thấy việc đến lớp là niềm vui chứ không còn là áp lực như trước đây.

Cũng tại trung tâm này, tôi đã có dịp gặp được một giọng ca vốn được đào tạo từ bàn tay của thầy giáo Văn An. Đó là Trịnh Nhật Thăng. Gọi Thăng là ca sĩ vườn cũng được vì sau khi học xong Nhật Thăng không đi theo nghề hát mà rẽ ngang sang nghề khác. Tuy nhiên không phải vì thế mà chàng trai Đặng Việt Trinh (tên thật của Nhật Thăng) thấy việc học của mình uổng phí. Đến bây giờ Nhật Thăng vẫn say sưa với những bản nhạc mê lòng của Tiến Minh và Nguyễn Ánh 9 nên có thời gian chàng “ca lẻ” còn đi hát ở quán cà phê để hâm nóng tinh thần âm nhạc.  Đó cũng là tâm sự của nhạc sĩ trẻ Đông Triều, ca sĩ Trần Quang từng được sự dìu dắt ân cần của cô giáo Thư Hương tại Nhạc viện TP.HCM. Âm nhạc đã giúp họ lớn khôn hơn về suy nghĩ và cảm xúc nên mỗi lần thể hiện ca khúc do mình chấp bút, chàng nhạc sĩ trẻ Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bông Sen như cháy hết mình với từng nốt nhạc: “Cảm xúc giúp tôi đến với sáng tác nhưng âm nhạc cũng là con đường dẫn tôi đến với những cảm xúc bất chợt trong quá trình hình thành ý tưởng sáng tạo âm nhạc”, nhạc sĩ Đông Triều bộc bạch.

Với thầy giáo Đỗ Quang Phúc (dạy môn âm nhạc của Trường Tiểu học Cổ Loa, Q.Phú Nhuận) thì âm nhạc không chỉ giúp chàng trai xứ biển Quy Nhơn trụ lại sinh cơ lập nghiệp với mảnh đất Sài thành xa lạ mà còn là ân nhân nặng nghĩa tình đem lại rất nhiều hạnh phúc khi anh được đứng trên bục giảng. Những bài học thanh nhạc từ NSƯT Măng Thị Hội hay của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên đã trở thành hạt giống âm nhạc quý báu để mỗi ngày thầy giáo Phúc gieo tiếp vào tâm hồn đàn em thơ qua từng trang giáo án. Cây đời từ bục giảng đã cho thầy giáo Phúc nhiều bài học quý báu về giáo dục nhân cách để hướng tới từng giá trị chân thiện mỹ: “Tập luyện và tiếp xúc nhiều với âm nhạc tư duy trừu tượng các em đã được nâng cao, từ đó hỗ trợ rất đắc lực cho các bộ môn khác nhất là về khoa học xã hội”. Cũng theo cách nói văn hoa của người thầy giáo trẻ, âm nhạc chính là dòng nước trong lành tưới mát tâm hồn người và có một sức mạnh vô biên để làm một “cuộc cách mạng” không vô bổ về giáo dục đạo đức. Âm nhạc là âm thanh rộn rã nhất của cuộc đời và sẽ vô cùng buồn tẻ nếu thế gian này thiếu đi những nốt nhạc vui.

Những “dòng kẻ” viết nên khuông nhạc tâm hồn

Không “có hàng có lối” như trường phổ thông, tuổi tác thành phần học viên lớp học nhạc vốn dĩ  “loạc choạc”. Có bé còn nhỏ tuổi nhưng có người đã ngoài 30. May mà năng khiếu và lòng đam mê là mẫu số chung lớn nhất đã xóa nhòa ranh giới về biên độ lệch pha đó. Dù học xướng âm, luyện thanh hay xử lý ca khúc, bất chấp mọi trở ngại ai cũng chấp nhận sự dấn thân. Đãi cát tìm vàng, biết phát huy năng khiếu từng bản ngã thì “người nhạc trưởng” không cần tốn công nhiều mà vẫn bội thu những mùa vàng về tài năng. Ca sĩ Lê Anh Tuấn vốn là GV dạy âm nhạc Trường Tiểu học Hàm Tử, Q.5 và Nhà Thiếu nhi Q.7 đúc rút kinh nghiệm: “Khi vào học, trình độ từng em khác nhau và giọng ca cũng không thật sự đồng đều. Nếu người dạy “chạm” đúng ưu điểm thì việc truyền thụ và luyện thanh không phải mất nhiều thời gian”.

Tiết dạy nhạc của thầy giáo Đỗ Quang Phúc tại Trường Tiểu học Cổ Loa, Q.Phú Nhuận  

Tìm hiểu các lớp dạy nhạc tại các trung tâm, chúng tôi thấy hầu hết không có một giáo án nhất định mà bài soạn chủ yếu do mỗi người “mạnh ai nấy viết”. Nếu cùng một “lò” thì các thầy phối hợp nhau lại để thống nhất khung chương trình. Tuy nhiên sườn chung vẫn là những tri thức đã được học trong Nhạc viện và các trường năng khiếu. Nhạc sĩ trẻ Văn An tiết lộ: “Tài liệu về âm nhạc không thiếu, mỗi thầy có một giáo trình để đưa ra cách dạy học riêng. Làm sao để bài giảng đó phù hợp với độ tuổi, năng lực và trình độ văn hóa từng người. Đó là khó khăn và cũng là thử thách cho người dạy”. Cũng theo tâm sự của các nhà giáo môn “5 dòng kẻ”, khi đăng ký vào học mỗi học viên còn mang một tâm sự, một hoài bão riêng. Có người đi học do sở thích, năng khiếu xúi bảo nhưng có người lại vì sự thúc ép không nhân nhượng của gia đình. Có học viên đến với “đàn organ” để mua vui giải trí nhất thời nhưng có người đang xây mộng ca sĩ chuyên nghiệp. Đây cũng là một áp lực mạnh cho người dạy khi phải “làm dâu trăm họ”. Dạy năng khiếu theo tinh thần tự nguyện nên GV nghiêm khắc quá cũng không được mà dễ dãi quá cũng không xong. “Ngoài phần khó nhất là xướng âm đòi hỏi học viên còn phải biết thẩm âm vì đối với một ca sĩ hay nhạc công không chỉ miệng có tài mà tai cũng phải giỏi. Đầu vào hay đầu ra xử lý thành thục thì âm nhạc mới được khơi thông dòng chảy. Mỗi lớp học nhạc phải là dòng kẻ thẳng tắp góp phần vẽ nên khuông nhạc về tâm hồn và phẩm giá”, thầy An khẳng định.

Trên bục giảng không bảng đen phấn trắng, các nhạc sư vừa bồi đắp tri thức vừa định hướng các môn đệ đi đúng lối nhất là khi dòng nhạc thị trường đang lấn lướt chỉ cần có cơ hội là cuốn trôi tất cả. Bên cạnh các “cơn mưa” nhạc trẻ, người cầm giáo án phải có các bài giảng tỉnh táo về âm nhạc dân tộc như dân ca, ca khúc mang âm hưởng dân ca hay nhạc đỏ cách mạng. Là thế hệ tiếp nối, họ đinh ninh lời sấm truyền từ đàn anh đi trước, khi giới trẻ đánh mất bản sắc dân tộc thì nguy cơ văn hóa bị xâm lấn hay ngoại lai là chuyện khó có thể tránh khỏi. “Âm nhạc là hơi thở của cuộc sống để cuộc đời được soi bóng vào trong đó. Biểu diễn một ca khúc hay một đoạn nhạc cũng phải có bề dày trình độ trải nghiệm, thần thái phong cách và bản lĩnh thể hiện. Làm được chuyện này, các nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công dù mới chập chững bước vào nghề hay đã thành danh mới làm tròn bổn phận của người nghệ sĩ trước những đòi hỏi chính đáng của công chúng yêu nghệ thuật. Có như vậy âm nhạc mới kết trọn được vòng tay yêu thương”, ca sĩ Huỳnh Lợi (Trung tâm Tổ chức biểu diễn âm nhạc và điện ảnh TP.HCM) khẳng định.

Phan Ngọc Quang