Thứ ba, 23/1/2018, 21h52

Kịch Tết nỗ lực chinh phục khán giả

Cứ đến hẹn lại lên, nhiều sân khấu kịch ở TP.HCM đang tất bật với các vở diễn cho mùa kịch Tết Nguyên Đán 2018.

Cảnh trong vở “Ngọc Lan trong gió”. Ảnh: H.Đức

Không đánh mất “đặc sản”

Từ lâu, kịch Tết luôn được coi là “đặc sản” mùa Tết của làng giải trí. Thế nên, dù năm 2017 là một với nhiều khó khăn, thử thách đối với nhiều sân khấu nhưng các nghệ sĩ vẫn tâm huyết, cố gắng làm nên những “đứa con tinh thần” phục vụ khán giả mùa kịch Tết Nguyên Đán.

Tính đến thời điểm này, dự kiến sẽ có ít nhất 12 vở kịch mới được đầu tư phục vụ khán giả tại các sân khấu kịch trên địa bàn TP.HCM. Là một trong những cánh chim đầu đàn của sân khấu kịch TP.HCM, sân khấu IDECAF có 2 vở diễn mới là “Thám tử si tình” đã lên sàn tập và một vở nữa đang hoàn tất việc sửa chữa kịch bản. So với năm trước, số lượng vở diễn mới giảm vì IDECAF hiện chỉ có một điểm diễn chính ở đường Lê Thánh Tôn (Q.1). Đã tạo dựng được “thương hiệu” trong lòng người yêu kịch ở TP.HCM nên hầu hết các vở diễn của IDECAF đều được khán giả đón nhận. Mùa kịch Tết 2018, vở nhạc kịch “Tiên Nga” của sân khấu IDECAF vẫn tiếp tục phục vụ khán giả dù vở diễn này đã ra mắt cách đây không lâu.

Không đứng ngoài cuộc chơi, sân khấu kịch Nụ Cười Mới cũng đã có 4 tiết mục đang trong giai đoạn chạy nước rút cho mùa kịch Tết. Hai vở kịch thời lượng dài mang tên “Ai sợ ai” và “Trăm năm bia đá cũng mòn” đang được sân khấu này cân nhắc đổi tên. Ngoài ra, Nụ Cười Mới còn có liveshow thương hiệu Long đẹp trai và một tiểu phẩm ngắn chừng 20-30 phút phục vụ khán giả trong mùa Tết này.

Sân khấu chính kịch Hoàng Thái Thanh hứa hẹn mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc qua vở kịch mới “Sài Gòn có một ngã tư”, cảm tác từ truyện ngắn “Ừ đi, Ừ!” của nhà văn Trần Kim Trắc với nhóm tác giả kịch bản Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh. Vở kịch chuyển tải ước mong khắc họa được phần nào tính cách quan tâm tới những người khốn cùng hơn mình của dân Sài Gòn. Ngoài ra, sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng đang tất bật chuẩn bị cho vở diễn “Giấc mộng vàng son” của tác giả Quang Thảo để phục vụ khán giả trong mùa xuân này.

Nỗ lực đáng ghi nhận

Trong giai đoạn bùng nổ gameshow và phim truyền hình như hiện nay, để giữ được diễn viên cho sân khấu mình quả là điều cực kỳ nan giải với các ông bầu, bà bầu sân khấu. Do đó, để đầu tư những vở diễn mới phục vụ Tết là sự nỗ lực đáng ghi nhận của những người làm sân khấu tại TP.HCM.

Phía sau ánh đèn sân khấu, nhiều nghệ sĩ vẫn đắm đuối, tận hiến với nghề, nhằm mang đến những tác phẩm hay cho khán giả. Đặc biệt, với mùa kịch Tết, nhiều sân khấu dù khó khăn, chật vật đến mấy vẫn cố gắng trong khả năng của mình để có những “đứa con tinh thần” kịp chào đời khán giả trong dịp Tết đến, xuân về. 

Cùng với “Ngọc lan trong gió” đang công diễn từ trước Giáng sinh 2017, các sân khấu của NSND Hồng Vân còn 4 vở diễn mới là “Bốn nàng độc thân”, “Rambi”, “Con của chồng tôi” và “Căn nhà im lặng” cho mùa kịch Tết 2018. Sau một thời gian nghỉ diễn để nâng cấp sàn diễn quy mô, hoành tráng hơn, Nhà hát Thế Giới Trẻ đã trở lại từ đầu năm 2018 với 4 vở mới là “Bao giờ mẹ lấy chồng”, “Thiên thần? Cân luôn!”, “Sao đại chiến” và “Tình kỹ nữ”, lần lượt ra mắt khán giả cho đến Tết.

Trong bức tranh chung ngỡ như có màu tàn phai, héo úa, có vẻ chùng xuống của sân khấu kịch tại TP.HCM dường như vẫn có những ngọn lửa sáng. Không đứng ngoài cuộc chơi, sân khấu kịch Sài Gòn có 4 vở mới diễn Tết, vẫn xoay quanh đề tài ma quỷ, mang yếu tố tâm linh, giáo dục con người lánh xa cái ác, nhân thêm điều thiện. Sân khấu Trịnh Kim Chi cũng lần lượt dựng 4 vở mới với các thể loại tâm lý xã hội, hài hước, kinh dị và liêu trai, là “Game ơi là show”, “Thầy giáo ma”, “Hồn nữ mơ hoang” và “Chuyến đi tử thần”. Điều đáng nói là kịch Tết năm nay có sự xuất hiện của một số tác giả và đạo diễn trẻ. Đội ngũ những người trẻ đã góp phần mang lại làn gió mới cho các sân khấu kịch tại TP.HCM. Kịch nói mùa Tết vẫn có đất sống, nhiều khán giả vẫn háo hức mua vé xem kịch. Đó chính là động lực của những người làm nghệ thuật tử tế. Để có thể yên tâm sắp lịch diễn Tết cho nghệ sĩ chủ động, nhiều sân khấu đã có kế hoạch từ rất sớm.

Tuy không ít sân khấu còn nơm nớp lo sợ kịch Tết “ế” khách nhưng họ vẫn quyết tâm làm bởi không muốn đánh mất “đặc sản” ngày Tết. Phía sau ánh đèn sân khấu, nhiều nghệ sĩ vẫn đắm đuối, tận hiến với nghề, nhằm mang đến những tác phẩm hay cho khán giả. Đặc biệt, với mùa kịch Tết, nhiều sân khấu dù khó khăn, chật vật đến mấy vẫn cố gắng trong khả năng của mình để có những “đứa con tinh thần” kịp chào đời khán giả trong dịp Tết đến, xuân về.

Yên Hà