Chủ nhật, 19/3/2017, 01h07

Kiềm chế tính cáu kỉnh ở trẻ

Không ít phụ huynh đã rơi vào tình cảnh khó xử khi con mình lúc nào cũng tỏ thái độ cáu kỉnh, căng thẳng và nổi giận bất kỳ với ai (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Không ít bậc phụ huynh đã rơi vào tình cảnh khó xử khi con mình lúc nào cũng tỏ thái độ cáu kỉnh, căng thẳng và nổi giận bất kỳ với ai, vì lý do gì. Trường hợp gia đình anh Thế Phong (Bình Thạnh, TP.HCM) luôn ở trong tư thế sẵn sàng để xử lý các cuộc cãi vã mà nguồn cơn là do sự “bốc hỏa” của cô bé gái lên 6 tuổi gây ra. Con bé thường ngồi chơi với nhóm bạn thân. Nhưng cảnh tượng vui vẻ và yên bình đó bỗng dưng sụp đổ khi giọng nói của con bé gào lên quát tháo ầm ĩ, mặt ửng đỏ, hai tay nó nắm chặt. Những đứa bạn của bé chán nản, bực bội và xin phép ra về. Vì tính nóng giận vô cớ, con bé luôn bị bỏ rơi lại một mình. Cha mẹ đã nhắc nhở mãi với con bé rằng con sẽ không có ai chơi cùng vì tính khí nóng nảy của con, con phải cố gắng tập cho mình tính kiềm chế. Nhưng thực tế, gia đình anh cũng bó tay bởi những trận cáu gắt thường xuyên của con như không tìm thấy đồ chơi cũng gắt gỏng, đòi bánh kẹo mà chưa đáp ứng kịp cũng “nổi khùng”...

Các bậc cha mẹ không nên quá băn khoăn đến việc làm sao mà thay đổi tính khí nóng nảy, bốc đồng của con. Thay vào đó, phụ huynh có thể dạy trẻ một số nghệ thuật và kỹ năng để giúp trẻ khắc phục tình trạng thiếu kiểm soát cảm xúc và gây trở ngại cho các mối quan hệ tình bạn. Cùng với đó, chỉ cho bé thấy giữ được hòa khí với mọi người là việc phải học tập và rèn luyện mới có được.

Luôn nhắc cho trẻ nhớ đến hậu quả của tính cáu kỉnh: Nếu cơn cáu kỉnh của con bùng lên và chắc chắn kèm theo những phản ứng mà sau đó con sẽ phải hối hận. Đó là bản thân con bị tổn thương, các bạn sẽ xa rời không muốn chơi với con vì như “chơi với lửa”. Con bị tai tiếng khắp nơi. Cơn cuồng nộ của con nếu thiếu sự kiểm soát và ngăn chặn kịp thời sẽ là mầm mống của nạn bạo lực học đường. Vì thế, con phải học cách để kiềm chế làm chủ hành vi của mình để con không gặp nguy hiểm và bị mất hết bạn bè.

Đồng cảm với trẻ. Sẽ giúp trẻ hạn chế bớt sự nóng nảy nếu cha mẹ biết đặt mình vào trường hợp của chúng. Một câu nói: “Mẹ biết sẽ rất khó để thay đổi, nhưng tính cáu kỉnh này của con, nó ảnh hưởng rất nhiều đến mọi người. Bạn bè con, cha mẹ hay bất cứ ai đều cảm thấy rất khó chịu. Con hãy luyện tập dần cách kiềm chế. Mẹ sẽ đồng hành với con, hãy cố gắng. Con sẽ thấy lợi ích của việc kiểm soát tốt hành vi của mình.”. Mỗi lần con kiềm chế được sự gắt gỏng hãy cho mình một điểm cộng, nếu con được mười điểm cộng con sẽ được một phần thưởng đáng yêu từ cha mẹ.

Cho trẻ được trải nghiệm. Rất khách quan và chắc chắn bé sẽ thấm thía những hậu quả của tính cáu gắt khi được trực tiếp chứng kiến cảnh một bạn khác cùng trang lứa đang giận dữ, tức tối, gào thét vì không được đáp ứng như mong muốn. Bởi thực tế, có nhiều trẻ sau khi nóng giận, cáu gắt vô cớ làm cho các bạn bỏ về đã rất hối hận, nhưng chứng nào vẫn tật ấy. Cho nên, khi thấy người khác có phản ứng mạnh và hậu quả nhãn tiền thì bé sẽ nghĩ ngay đến cách “kìm” lại bản thân trước khi quá muộn. Trẻ sẽ làm một phép so sánh giữa hành vi nóng giận mà không được gì với hành động từ tốn, bình tĩnh sẽ giải quyết mọi việc êm đẹp, trẻ sẽ dần tự nhắc mình hạ bớt khi cơn hỏa có nguy cơ bốc lên.

Cha mẹ làm gương. Cách ứng xử hàng ngày của cha mẹ là tấm gương phản chiếu vào trẻ. Sau một ngày vất vả và căng thẳng, bạn thể hiện ra sao trước mặt trẻ? Cha mẹ còn phải đối mặt với nhiều tình huống bức xúc trong cuộc sống, nhưng hãy nghĩ rằng các con đang dõi mắt theo mình, hãy kiềm chế  đừng để trẻ thấy mình nóng nảy, giận dữ, tức tối.

Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)