Thứ năm, 26/11/2015, 21h06

Kiến nghị nhiều giải pháp nâng chất GD-ĐT

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT chứng kiến lãnh đạo ngành giáo dục 5 thành phố ký kết giao ước thi đua

Sáng 25-11, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị giao ban GD-ĐT 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Vùng VII) gồm TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ…

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được vẫn còn những khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan, nhiều vấn đề của năm học như: Đổi mới công tác quản lý, nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về giảng dạy môn tự chọn, chất lượng và trình độ đội ngũ giáo viên giữa các trường, các vùng miền… cũng được báo cáo và được các đại biểu cùng nhau thảo luận, đưa ra giải pháp và kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD-ĐT.

Ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng chỉ rõ: “Thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định về dạy thêm - học thêm được Sở GD-ĐT thực hiện thường xuyên, liên tục và quyết liệt tại 19 cơ sở, cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường ngay khi có phản ánh của phụ huynh HS. Bước đầu, các cá nhân, tổ chức này đã có ý thức trong việc xin phép hoặc gia hạn giấy phép để được hoạt động hợp pháp; việc thực hiện thu học phí và chi trả tiền dạy thêm cho GV theo thỏa thuận… tuy nhiên, một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa chấp hành đúng các quy định về dạy thêm - học thêm như: CSVC không đảm bảo, gây ồn ào ảnh hưởng đến các hộ cư dân trong khu vực…”.

Còn ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng - nêu thực trạng: Mạng lưới trường, lớp MN của thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân thành phố; công tác quản lý GD-ĐT đã có nhiều đổi mới và tiến bộ nhưng chưa theo kịp sự đổi mới và phát triển của xã hội; chất lượng GD-ĐT tại một số trường ngoài công lập, trung tâm dạy nghề và GDTX còn thấp; công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia còn chậm; một số trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày còn nặng về kiến thức, chưa chú ý đến GD toàn diện nhất là GD kỹ năng sống cho HS. Công tác đào tạo tại các trường TCCN thiếu tính bền vững, một số ngành nghề đào tạo chưa có chiều sâu, đầu ra chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội…

Đồng quan điểm, đại diện các thành phố chỉ rõ: Bộ GD-ĐT chưa ban hành quy chế đánh giá mới đối với cấp TH như vậy các thành phố sẽ khó thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2015-2016; Sau Thông tư liên bộ số 11, Bộ GD-ĐT cùng các bộ, ngành liên quan nhanh chóng thống nhất, đồng bộ các văn bản về quản lý Nhà nước đối với các trường chuyên nghiệp ngoài các trường sư phạm để ổn định công tác quản lý. Chương trình mục tiêu quốc gia cần đầu tư trọng điểm về đào tạo nhân lực, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. Có thêm nhiều chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề, để định hướng, tạo điều kiện cho các địa phương trong việc tiếp cận với chuẩn quốc tế về công tác đào tạo nghề nghiệp. Việc liên kết đào tạo liên thông, trình độ CĐ-ĐH khi bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH-CĐ đủ điều kiện, đề nghị bộ ghi rõ số lượng, hình thức, địa chỉ đào tạo (đối với các lớp tổ chức bên ngoài nhà trường) và gửi về các sở GD-ĐT để quản lý Nhà nước theo địa bàn và phân cấp của bộ...

“Đối với GD có yếu tố nước ngoài, đề nghị bộ nghiên cứu và sớm ban hành hướng dẫn cụ thể một số nội dung trong Nghị định 73: Qui trình đăng ký kiểm định chất lượng; chương trình Việt Nam học; thủ tục cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế...” - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ kiến nghị.

Liên quan tới liên môn tích hợp, thi HS giỏi... ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ đề nghị bộ sớm tổ chức tập huấn dạy học theo chủ đề các môn toán, ngoại ngữ, ngữ văn; tổ chức tập huấn sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học cho giáo viên cấp THCS. Tổ chức thi chọn HS giỏi bậc THPT cấp quốc gia theo hình thức thi cụm (liên tỉnh), luân phiên, không tổ chức tại từng tỉnh, thành như hiện nay để tiết kiệm kinh phí cho các đơn vị. Công bố đề thi và đáp án chi tiết các môn trong kỳ thi chọn HS giỏi cấp quốc gia”. Riêng với kỳ thi THPT quốc gia, ông Hồng đề xuất: Bộ sớm ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016, định hướng ra đề thi THPT quốc gia năm 2016...

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa các mô hình GD mới đã và đang triển khai thành công; đẩy mạnh mô hình GD mới, hướng đến bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, góp phần kéo giảm triệt để tình trạng dạy thêm - học thêm… Bộ trưởng cũng đề nghị các trường, sở GD-ĐT các thành phố phải có nhiều giải pháp gắn kết với các trường sư phạm, các doanh nghiệp để đẩy mạnh hơn nữa môi trường, điều kiện thực hành cho sinh viên…

Bài, ảnh: Huy Cận