Thứ hai, 26/11/2012, 16h11

Kinh nghiệm dạy từ ngữ

Từ vựng là một trong những bộ phận quan trọng của hệ thống ngôn ngữ. Ngày nay, việc dạy từ ngữ càng có ý nghĩa cấp thiết vì tiếng Việt đang trong giai đoạn phát triển ồ ạt, đòi hỏi phải bổ sung và sáng tạo nhiều từ mới. Dạy từ ngữ không chỉ giúp học sinh nâng cao kiến thức ngôn ngữ mà còn rèn luyện cho các em tư duy giáo dục thẩm mỹ và tạo điều kiện để tiếp thu các môn học khác. Mặt khác, việc dạy từ ngữ còn hướng tới ba mục đích: Cung cấp vốn từ - nhận thức - ứng dụng.
Ở lứa tuổi học sinh THCS, nhu cầu tìm hiểu và diễn đạt ý nghĩ của mình về môi trường xung quanh rất lớn. Do đó giáo viên phải cung cấp cho các em một số vốn từ đúng và chính xác. Tuy nhiên dạy từ ngữ không thể xem xét chúng một cách cô lập mà phải thấy được hoạt động  trong mối quan hệ với những đơn vị nhỏ hơn (tiếng) và những đơn vị lớn hơn (cụm từ, câu, đoạn văn, văn bản). Sự hình thành và phát triển của từ chỉ xảy ra trong hoạt động. Không có hoạt động thì con người không thể chiếm lĩnh được khái niệm và tên gọi của chúng. Mà tên gọi của các khái niệm đó chính là từ ngữ. Mặt khác, khi giao tiếp, từ ngữ không đứng riêng lẻ mà tồn tại trong một văn cảnh, ngữ cảnh nhất định. Do đó, muốn dạy học từ ngữ có hiệu quả, giáo viên phải nắm được một số nguyên tắc cơ bản như: Nguyên tắc trực quan, nguyên tắc hệ thống, nguyên tắc chức năng và nguyên tắc lịch sử. Trong đó nguyên tắc hệ thống là nguyên tắc rất đặc trưng của từ ngữ tiếng Việt.
Kinh nghiệm dạy học từ ngữ cho thấy không thể có một mẫu chung cho một tiết dạy cụ thể, tuy nhiên các bài giảng dù thực hiện như thế nào cũng phải theo một nguyên tắc và thao tác chung. Trong công việc chuẩn bị, giáo viên phải nghiên cứu kỹ sách giáo khoa để “cân, đong, đo, đếm” số lượng kiến thức cần thiết. Không chỉ xác định trọng tâm bài giảng, giáo viên phải mở rộng kiến thức bằng nghiên cứu tài liệu tham khảo để giải quyết những tình huống không nằm trong giáo án. Với học sinh yếu nên đưa ra bài tập nhận diện. Thông qua khái niệm cho các em nhận diện nghĩa của từ. Bài tập phân loại chủ yếu dựa trên tiêu chí phân loại của lý thuyết để giải quyết. Cũng giống như bài tập đặt câu, đây là loại bài tập bắt buộc cho mọi đối tượng học sinh. Riêng học sinh giỏi thì dành các bài tập phân tích vai trò đặc điểm và hiệu quả biểu đạt. Các tiết dạy từ ngữ nên tổ chức luyện tập theo nhóm. Sau khi đọc bài tập, các em xác định yêu cầu và nhiệm vụ phải thực hiện. Đồng thời học sinh phải biết nhận xét và giải thích cách giải quyết của mình. Bí quyết cuối cùng là giáo viên nên cho cả lớp lập một từ điển về các từ đã học trong một học kỳ. Trong quá trình liệt kê các nghĩa từ đã biết thì các em đã có thêm một cách học nhớ được nhanh và nhớ lâu hơn.
Mai Anh Tuấn
(Giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.Thủ Đức, TP.HCM)