Thứ sáu, 7/5/2010, 15h05

Kinh nghiệm làm chủ nhiệm giỏi: Để học sinh gắn kết với thầy cô

Giáo viên chủ nhiệm phải luôn gần gũi, thân thiện với học sinh. Ảnh: HÒA TRIỀU

Quản lý một tập thể lớp, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là người “đứng mũi chịu sào” trong mọi công việc và hoạt động. Lớp có nhiều thành tích cao, học sinh (HS) học tập tốt… không thể không kể đến công sức của người thầy đứng đầu lớp.
Nếu GVCN thực sự quan tâm tới lớp mình phụ trách và có trách nhiệm với từng HS thì các em HS sẽ vừa kính trọng vừa nỗ lực phấn đấu để khỏi phụ lòng thầy cô. Khi ấy trong mắt HS, hình ảnh GVCN đã trở thành người cha, người mẹ mà các em chính là con cái trong đại gia đình đoàn kết đó. Theo đó, các em sẽ hiểu - con cái không thể cãi lời cha mẹ và cha mẹ nào cũng hết mực thương yêu con mình. Ý thức được điều này, các em sẽ trở thành chủ nhân của lớp, GVCN chỉ là người song hành để theo dõi từng bước đi mà thôi. Bao giờ cũng có một khoảng cách trong mối quan hệ thầy - trò, nhưng ranh giới giữa tình thương và trách nhiệm thì như hòa vào làm một, ai cũng sẵn lòng giúp đỡ người khác hoàn thành phần việc của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều GVCN vẫn còn gặp khó khăn trong công tác chủ nhiệm. Thiếu năng lực quản lý, thiếu kinh nghiệm và đặc biệt là thiếu một “bầu nhiệt huyết” trong công tác chủ nhiệm thì rất dễ rơi vào thất bại. Việc học tập của HS thiếu tiến bộ, phong trào thi đua của lớp luôn “đì đẹt” là do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có phần trách nhiệm của “người cầm chịch”.
Ngay từ khi nhận lớp, GVCN phải biết thổi một sinh khí mới vào tập thể lớp và ban cán sự để từ đó các em HS có sức bật mạnh hơn, tiến xa hơn. Kinh nghiệm cho thấy, thầy cô nào biết “châm ngòi nổ” từ ban đầu thì sẽ nắm chắc phần thắng về sau mà không phải bỏ ra nhiều công sức để làm lại từ đầu. Còn nếu GVCN làm theo kiểu “sống chết mặc bay” thì sẽ “gieo cây nào, gặt quả nấy”. Cũng phải nói thêm rằng tất cả còn phải phụ thuộc vào “nghệ thuật lãnh đạo” của từng GVCN. Có không ít giáo viên quá nghiêm khắc đưa ra những yêu cầu cao khi nhận lớp, bắt HS phải làm thế này, không được làm thế kia... điều đó vô tình tạo nên áp lực đối với HS, khiến các em cảm thấy sợ hơn là quy phục. Khi nhận một lớp chủ nhiệm mới, nếu thấy nhiều em xin chuyển lớp hoặc chuyển trường thì GVCN phải tự nhìn lại bản thân, nhìn lại cách quản lý HS của mình.
 Một số HS có cái nhìn cảm tính nên thường thích GVCN từ dáng vẻ bên ngoài hay những người có tài về văn nghệ, TDTT… Điều kéo các em đến gần với thầy cô chủ nhiệm chính là sự quan tâm ân cần, cách nói chuyện thân tình chứ không phải là “đao to búa lớn”.
Hoàng Anh